“Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ”

Thứ sáu, 30/12/2016 17:24
(ĐCSVN) - Dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ” được triển khai trong 3 năm 2014 - 2016, với quy mô 286 con lợn đực giống tại 80 điểm trình diễn trên 19 tỉnh, gồm 143 hộ chăn nuôi tham gia.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng về thịt lợn trong nước và hướng tới xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, việc triển khai tổng thể từ công tác giống, chọn lọc lợn đực giống tốt và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) để tăng năng suất lợn thịt là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Tuy nhiên, số lợn nái sinh sản được phối giống bằng kỹ thuật TTNT ở nước ta còn thấp. Nguồn lợn đực giống chủ yếu tận dụng từ đàn thương phẩm, tỷ lệ cận huyết cao. Người chăn nuôi cho phối trực tiếp dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; chất lượng đàn lợn thịt kém, chi phí chăn nuôi tăng cao do phải nuôi nhiều lợn đực giống mới đáp ứng được yêu cầu thụ tinh cho đàn nái.

Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức lớp tập ập huấn kỹ thuật trong khuôn khổ dự án (Ảnh: PV)

Trước tình hình đó, nhằm nâng cao chất lượng giống bằng kỹ thuật TTNT, sử dụng tinh lợn đực giống ngoại hoặc lai chất lượng cao thay thế lợn đực giống không đảm bảo chất lượng trong nông hộ, tăng tỷ lệ nuôi sống, khối lượng sơ sinh và khả năng sinh trưởng và phát triển của lợn con, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi; phát triển mạng lưới thú y cộng đồng (MLTYCĐ) nâng cao nhận thức người dân về phòng, phát hiện sớm, quản lý tốt, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi, Dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt theo Quyết định số 893/QĐ-BNN-KHCN ngày 29/4/2014.

Dự án được triển khai trong 3 năm 2014 - 2016, tại 19 tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Phước, Quảng Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đà Nẵng và Hà Tĩnh với quy mô 286 con lợn đực giống (gồm Duroc, Yorkshire, Landrace, Pietrain, Pidu...), tại 80 điểm trình diễn, 143 hộ chăn nuôi. Hiện nay, số lợn đực giống của dự án đã nhảy giá thành thạo và cho chất lượng tinh tốt với khoảng 19.000 lần khai thác. Hoạt lực tinh trùng đạt khoảng 82%, nồng độ tinh trùng đạt khoảng 255 triệu tinh trùng/ml. Số tinh lợn cấp miễn phí cho lợn nái trong mô hình đều đạt 25 nái/lợn đực. Trong 2 năm 2014, 2015 đã có trên 52.500 con lợn nái sinh con, năng suất đạt cao 10,7 - 10,8 con/lứa; tỷ lệ nuôi sống sau khi sinh đạt 94 - 95%, khối lượng lợn con khi cai sữa trung bình đạt khoảng 7,2 ­- 7,3 kg/con.

Bên cạnh việc hỗ trợ lợn đực giống ngoại chất lượng tốt và chi phí thức ăn, trứng gà và vật tư phục vụ TTNT, dự án đã xây dựng được 80 MLTYCĐ, thành lập 54 tủ thuốc thú y cộng đồng có thuốc thú y dự phòng, tổ chức tiêm phòng và tiêu độc khử trùng định kỳ, hướng dẫn người chăn nuôi ghi chép sổ theo dõi chăn nuôi. Các mô hình thuộc dự án có tỷ lệ đàn vật nuôi an toàn dịch bệnh cao, không có dịch bệnh xảy ra đối với các bệnh dự án hỗ trợ vắc-xin như tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, phó thương hàn, dịch tả lợn, tai xanh và lở mồm long móng.

Các đơn vị tham gia dự án đã phối hợp với UBND xã nơi triển khai dự án để thành lập MLTYCĐ. Mạng lưới lồng ghép các buổi họp dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền các kiến thức kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh đến các hộ tham gia mô hình và tổng hợp tình hình dịch bệnh, kết quả chăn nuôi lợn trong toàn xã. Thông qua MLTYCĐ người dân đã nắm bắt được quy trình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ, kiến thức sửa chữa, xây dựng chuồng trại, con giống, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng, vệ sinh thú y và phòng trị bệnh cho lợn, cách sử dụng thức ăn hợp lý, duy trì việc ghi sổ theo dõi các hoạt động chăn nuôi.

Thông qua đó, đã tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình với tổng số 160 lớp cho 320 lượt người; 80 cuộc tham quan, hội thảo cho 2.400 nông dân đến tham quan các mô hình tiêu biểu. Hoạt động thông tin tuyên truyền đã triển khai với 800 pa nô, 160 bài, tin và 22.750 tờ rơi được phát hành trên các tỉnh tham gia dự án.

TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, dự án đã đạt mục tiêu, nội dung và kết quả theo kế hoạch; đề nghị các đơn vị tham gia dự án hoàn thiện báo cáo tổng kết 3 năm, gửi về đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án. Giám đốc lưu ý các địa phương, duy trì tốt mạng lưới thú y cộng đồng nhằm giúp bà con nông dân chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Có thể thấy, Dự án đã có tác động xã hội và sức lan tỏa lớn trong công tác TTNT và nâng cao nhận thức người dân về phòng, phát hiện sớm, quản lý tốt, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi. Thành công của dự án sẽ góp phần tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, giảm tỷ lệ phối giống trực tiếp, hạn chế bệnh truyền lây qua đường sinh dục và đảm bảo đàn lợn con khỏe mạnh, năng suất cao, được nhiều người chăn nuôi áp dụng, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm thực hiện dự án là cơ sở, tiền đề để nhân rộng mô hình dự án đến các địa phương khác trên cả nước.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực