Ninh Bình đưa công nghệ cao vào phát triển thủy sản

Thứ sáu, 30/06/2017 15:36
Nuôi trồng thủy sản thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản nơi đây luôn đứng trước nguy cơ “mất mùa” từ dịch bệnh, thời tiết và giá cả bấp bênh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Ninh Bình.

Với mong muốn góp phần ổn định và phát triển bền vững ngành thủy sản cho địa phương, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn, ngành thủy sản huyện Kim Sơn đã đẩy mạnh vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản và bước đầu đem lại kết quả rất khả quan.

Kim Sơn là huyện duy nhất của tỉnh Ninh Bình tiếp giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng hơn 15 km. Đây là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Kim Sơn là 4.080 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 3.115 ha, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 968 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung tại địa phận các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải với các giống tôm, cua xanh, ngao... Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt trên 17.500 tấn.

Cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhiều địa phương của huyện Kim Sơn như xã Chất Bình, Yên Lộc, Ân Hòa, Văn Hải, Kim Chính, Thượng Kiệm, thị trấn Bình Minh... đã tích cực quy hoạch các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết có nhiều biến đổi thất thường đã ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng theo phương thức quảng canh.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Kim Sơn đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản nhằm ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản cho người nuôi trồng. Đến nay, dưới sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp huyện Kim Sơn, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản đã được xây dựng thành công, điển hình tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh được thành lập từ năm 2016 với tiền thân là đơn vị có kinh nghiệm gần 20 năm trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy cách thức nuôi trồng quảng canh không đem lại được hiệu quả bền vững do người nuôi trồng luôn phải đối mặt với những tác động khách quan từ bên ngoài như dịch bệnh, thời tiết, thị trường ... làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Do đó, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Kim Sơn, công ty đã xây dựng một khu nuôi thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 7 ha được đầu tư hàng chục tỷ đồng và xây dựng hệ thống ao nuôi với nhiều giải pháp kỹ thuật mới.

Ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh cho biết, với định hướng phát triển hệ thống nuôi thủy sản công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công ty đã quy hoạch, bố trí xây dựng và hoàn thành 10 ao nuôi và dự tính sẽ xây dựng thêm 8 ao nuôi trong thời gian tới.

Toàn bộ hệ thống ao nuôi đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, được bê tông hóa bờ, đáy. Phần mái sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ giúp giảm thiểu tối đa sự tác động của những yếu tố thời tiết ngoại cảnh. Hệ thống ao ươm riêng biệt nhằm tăng cao tỷ lệ sống của tôm khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sống tự nhiên.

Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư xây dựng hệ thống ao 4 cấp gồm ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng và cuối cùng là ao nuôi nhằm kiểm soát nguồn nước. Trong quá trình tôm sinh trưởng cũng sử dụng phương pháp nhân sinh khối vi sinh vật, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của vi sinh vật để lấn át các mầm mống gây bệnh. Công ty cũng chú trọng đầu tư các bể lắng xử lý nước thải từ các ao nuôi. Quá trình hoạt động trong các bể này sẽ giúp loại bỏ các chất thải, xả ra hệ thống mương bao quanh khu ao nuôi.

Nhờ đầu tư xây dựng khu nuôi sản xuất quy mô và ứng dụng công nghệ cao mà sản xuất thủy sản của công ty rất ổn định. Từ đầu năm đến nay công ty thu hoạch hơn 40 tấn tôm với giá bán ổn định từ 170.000 - 180.000 đồng/kg tôm to và 120.000 - 130.000 đồng/kg tôm bé. Tôm nuôi đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm định và đầu ra ổn định.

Ông Lê Ngọc Quyết chia sẻ, thời gian tới công ty sẽ hướng tới hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tạo dựng thương hiệu, đồng thời dự kiến phát triển việc ương giống cấp 1, trở thành điểm cung cấp giống cho địa phương và các vùng lân cận. Hiện nay, công ty đã hoàn tất thủ tục, hiện đang chờ được chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.

Gia đình anh Trần Văn Quyền, xóm 1, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn là một trong hơn 1.000 hộ dân ở huyện Kim Sơn thời gian qua có tôm chết do bị ảnh hưởng từ thời tiết thay đổi và dịch bệnh.

Anh Quyền cho biết, nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh truyền thống chi phí đầu tư thấp song người nuôi luôn đứng trước nguy cơ “mất mùa” bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, anh cũng như nhiều hộ dân khác luôn mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện về kỹ thuật, vốn để đầu tư mở rộng, cải tiến sản xuất, ứng dụng công nghệ cao giúp người nuôi trồng thủy sản ổn định và phát triển bền vững hơn.

Ông Trần Anh Khôi, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản là hướng đi giúp tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm việc sử dụng các hóa chất kháng sinh cấm vào quá trình nuôi và ổn định sản xuất. Chính vì vậy ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến khích người nuôi trồng chuyển từ nuôi trồng quảng canh truyền thống sang quy hoạch vùng sản xuất tập trung và ứng dụng công nghệ cao.

Hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản ở Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh là minh chứng rõ ràng nhất. Mặc dù đầu tư để xây dựng ao nuôi công nghệ cao khá lớn song lợi ích thu về rất cao. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào nuôi trồng thủy sản và chuyển giao cho nông dân, nhất là về giống, kỹ thuật mới./.

Thùy Dung/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực