Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa

Thứ sáu, 02/06/2017 21:19
(ĐCSVN) – Ngày 2/6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chức “Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa - VIETNAM DAIRY 2017” đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi bò sữa” do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) phối hợp Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) tổ chức.


Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia và người chăn nuôi bò sữa trong nước (Ảnh: K.D)

Ông Lê Văn Thông - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chăn nuôi Gia súc lớn cho biết, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam đã có trên nửa thế kỷ. Với rất nhiều khó khăn, qua nhiều sóng gió về thị trường nhưng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam vẫn phát triển theo hướng tích cực. Từ chỗ không có bò sữa đến nay Việt Nam đã có trên 24.000 trang trại và hộ nông dân nuôi bò sữa với tổng đàn gần 283 ngàn con, sản lượng sữa tươi sản xuất đạt gần 800 ngàn tấn, đáp ứng khoảng 39 - 40% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng, trên 60% còn lại phải nhập từ bên ngoài. 

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2013, 2014, nước ta phải bỏ ra trên 1 tỷ USD để nhập sữa, năm 2015 con số này là 900.694.029 USD và năm 2016 giảm còn 849.432.349 USD, riêng 3 tháng đầu năm 2017 là 214.666.213 USD, giảm 10,6% so với 3 tháng đầu năm  2016. Nếu tính bình quân tiêu thụ sữa đầu người ở nước ta mới đạt gần 8,74 lit sữa tươi, sữa quy đổi ước chừng 22 lit/năm/người, trong khi  bình quân của thế giới là 103-104 lít/người/năm. 

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi bò hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt và sữa cho hơn 90 triệu người dân. Một số tỉnh, thành phố có số lượng bò sữa lớn như: TP Hồ Chí Minh (nhiều nhất cả nước với hơn 90 nghìn con), Nghệ An (hơn 62 nghìn con), Sơn La, Lâm Đồng (khoảng 20 nghìn con), Hà Nội (hơn 15 nghìn con)… nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, quy trình chăn nuôi chưa khép kín, khiến các hộ nuôi cá thể gặp nhiều khó khăn.  

Thực tế cũng cho thấy, việc ứng dụng các kỹ thật công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa còn hạn chế hoặc không đồng đều, đồng bộ. Chăn nuôi phân tán (khoảng 70% đàn bò chăn nuôi phân tán trong hộ nông dân), quản lý không đồng nhất. Đây là nguyên nhân chính đưa đến việc khó kiểm soát dịch bệnh trên đàn bò sữa và chất lượng sữa sản xuất ra không ổn định, không đồng đều ở các trang trại chăn nuôi. Sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở thu mua chế biến sữa chưa bền chặt, đôi khi có sự bất hòa. Chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa của nhà nước chưa đồng bộ, chưa liên tục hoặc còn chậm so với thực tiễn sản xuất. 

Theo ông Tống Xuân Chinh, xã hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu về sữa của người tiêu dùng của thế giới và nước ta càng ngày càng cao vì thế thị trường sữa sẽ rất sôi động. Trước yêu cầu đó, Việt Nam cần và phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa và sản lượng sữa. Để làm được điều này, chúng ta cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi, nhất là lập kế hoạch quỹ đất cho chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò. Đáng chú ý là khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò sữa quy mô lớn áp dụng công nghệ cao, chế biến và kinh doanh ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sữa. 

Tại Hội thảo, các tham luận cũng nêu một số hiện trạng, cung cấp thông tin, gợi ý các biện pháp kỹ thuật, các công nghệ cần áp dụng  để đưa ra được biện pháp đúng, hướng đi phù hợp cho người chăn nuôi bò sữa. Trên cơ sở đó giảm số lượng vật nuôi, giảm đầu tư chi phí chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường nhưng tăng hiệu quả khi đầu tư, điều đó có nghĩa là tăng sản lượng sữa trên cơ sở tăng tỷ lệ bò vắt sữa, tăng năng suất của bò vắt sữa/chu kỳ cho sữa./.

 

Kim Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực