Cả nước đã gieo cấy được 3036 nghìn ha lúa đông xuân

Thứ tư, 29/03/2017 16:45
(ĐCSVN) – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt trong tháng 3 là tiếp tục xuống giống lúa đông xuân, chăm sóc lúa và các cây hoa màu vụ đông xuân, thu hoạch lúa đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước đã gieo cấy được 3036 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1110,4 nghìn ha, bằng 100,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1926 nghìn ha, bằng 100,1% cùng kỳ.

Cụ thể, đến nay, các địa phương phía Bắc đã hoàn thành vụ đông và cơ bản chăm sóc xong đợt 1 cho lúa đông xuân. Tính đến ngày 15/3, diện tích lúa đông xuân đã gieo cấy tại các tỉnh phía Bắc đạt 1.110,4 ngàn ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 8,1 ngàn ha). Trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã gieo cấy được 228,8 ha, tăng 5,3%; vùng Bắc Trung Bộ đạt 345,7 ngàn ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy 535,9 ngàn ha, giảm 1,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, do thời tiết đầu vụ Đông xuân tương đối thuận lợi, số ngày có nắng nhiều, nguồn nước đủ, bà con nông dân chủ động làm đất và gieo cấy lúa sớm nên tiến độ gieo trồng nhanh hơn so với năm trước.

Hiện nay miền Bắc đang trong thời kỳ mưa xuân, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho những diện tích lúa đã gieo trồng sinh trưởng, phát triển tốt, trà sớm ở một số nơi đang giai đoạn đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên khi nhiệt độ tăng dần, nhiều sương mù về đêm và sáng, nắng nhẹ trong ngày xen kẽ mưa phùn rải rác là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại tăng nhanh mật độ, tỷ lệ và diện tích gây hại. Các địa phương đang tiếp tục khẩn trương làm đất, cấy lúa hoàn thành vụ chiêm xuân và chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, lập kế hoạch phương án phòng trừ các đối tượng gây hại có nguy cơ cao.

Còn tại các tỉnh phía Nam, tính đến trung tuần tháng 3 đã xuống giống lúa đông xuân được gần 1.926 ngàn ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống được hơn 1.537 ngàn ha, giảm 17 ngàn ha tương ứng 1,09% so với 4 cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do ảnh hưởng của xâm nhập mặn từ năm trước, thổ nhưỡng chưa được cải tạo kịp thời nên các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân hạn chế xuống giống lúa đông xuân ở những diện tích đất chưa được rửa mặn hoàn toàn.

Mặt khác, cũng vì ảnh hưởng của xâm nhập mặn, làm cho các vụ lúa Hè thu, Thu đông kết thúc muộn, người dân không thể làm đất xuống giống kịp thời vụ nên đã bỏ vụ, hoặc chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng rau đậu, nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn, điển hình một số tỉnh có diện tích giảm mạnh như: Trà Vinh giảm 7.515 ha (giảm 11,15%), An Giang giảm 3.031 ha (giảm 1,27%), Kiên Giang giảm 2.294 ha (giảm 0,76%), Vĩnh Long giảm 2.162 ha (-3,54%), Đồng Tháp giảm 2.086 ha (1%) so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, vụ đông xuân năm nay xuống giống muộn hơn năm trước nên tốc độ thu hoạch chậm hơn cùng kỳ, hiện đã thu hoạch được hơn 1 triệu ha, giảm gần 103 ngàn ha, tương ứng giảm 9,3% so với cùng kỳ, trong đó các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch hơn 971 ngàn ha, chậm hơn so với cùng kỳ 110,5 ngàn ha (giảm 10,2%) và đạt 63,2% so với diện tích xuống giống.

Ước năng suất lúa đông xuân vùng ĐBSCL trên diện tích đã thu hoạch đạt 63,4 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so năm trước. Sản lượng lúa đông xuân cả vụ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 9,9 triệu tấn, giảm 125 nghìn tấn (giảm 1,3%) so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do trà lúa gieo sớm trổ vào thời điểm gặp mưa trái mùa, lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm đã ảnh hưởng đến kết quả thụ phấn, tạo hạt, đồng thời gây đổ ngã khi thu hoạch làm giảm năng suất. Ước tính năng suất chung toàn vụ của cả miền Nam tương đương với vụ đông xuân năm trước, do diện tích lúa còn lại gieo trồng muộn hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết nên khả năng cao hơn năng suất trung bình năm trước. ..

M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực