Chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012

Thứ năm, 28/12/2017 17:05
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua hơn 4 năm triển khai Luật Hợp tác xã 2012, chất lượng của nhiều Hợp tác xã (HTX) đã từng bước được nâng lên, thu nhập các thành viên HTX hoạt động có hiệu quả tăng mạnh. Dù vậy, vẫn còn nhiều bất cập cần triển khai tháo gỡ.
Vẫn còn nhiều bất cập trong triển khai Luật Hợp tác xã 2012. (Ảnh minh họa: BT)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, đã có 38/63 tỉnh ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Luật; 18/63 tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ HTX của địa phương; còn lại các tỉnh đều ban hành Đề án và Kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đến hết năm 2016, các địa phương đã tổ chức trên 5.300 lớp tập huấn cho cán bộ HTX nông nghiệp với khoảng 122.000 lượt người; tổ chức 267 hội nghị tuyên truyền cho trên 14.700 lượt người. Thực hiện 206 chuyên đề tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành hàng chục vạn tờ rơi, gần 50.000 sách, tài liệu hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã. Nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để giúp các HTX nông nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, khoảng gần 700 doanh nghiệp, đặc biệt nhiều tập đoàn lớn tham gia các chuỗi liên kết nông sản và sản xuất công nghệ cao, công nghệ an toàn...đã hỗ trợ cho các HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, đã có 254 HTX nông nghiệp chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, bao gồm tổ hợp tác và doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là chuyển sang tổ hợp tác. 5 liên hiệp và 2.051 HTX nông nghiệp đã giải thể, sáp nhập.

Về tình hình phát triển của HTX từ khi thực hiện Luật HTX 2012, tính đến tháng 6/2016 có tổng số 10.836 HTX nông nghiệp. Trong đó thành lập mới 189 HTX, giải thể 79 HTX. Đa số các HTX hoạt động tổng hợp (62%). Số HTX hoạt động chuyên ngành chỉ chiếm 38%, trong đó lĩnh vực trồng trọt lớn nhất (54%), tiếp đó là thủy sản (16,4%) và chăn nuôi (14,4%). Có 8 liên hiệp HTX và 2.606 HTX nông nghiệp được thành lập mới. Bình quân có 41 HTX/tỉnh/năm được thành lập mới.

Hiện nay cả nước có khoảng 3.936.000 thành viên HTX nông nghiệp, bình quân khoảng 367 thành viên/HTX. Tổng số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp là 12.413 tỷ đồng, bình quân là 1,26 tỷ đồng/HTX, trong đó vùng Đông Nam Bộ có vốn bình quân lớn là 7,67 tỷ đồng/HTX, tiếp đến là Duyên hải Nam Trung Bộ 3,22 tỷ đồng/HTX. Vùng có số vốn bình quân thấp là: Đông Bắc 573 triệu đồng/HTX, Đồng bằng sông Hồng 816 triệu đồng/ HTX.

Theo số liệu thống kê của các tỉnh, cả nước có 33 % HTX nông nghiệp đang hoạt động được phân loại khá, tốt, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất là 43,2%, tiếp đến là Đông Bắc 42,9%, Đồng bằng sông Hồng 30%; thấp nhất là Tây Bắc 20,2%, Bắc Trung Bộ 26,6%.

Nhìn chung, sau 4 năm triển khai Luật Hợp tác xã, nhiều HTX đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, áp dụng nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trình độ cán bộ HTX được quan tâm đào tạo nên bước đầu được nâng lên; một số cán bộ HTX có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Thu nhập các thành viên của HTX hoạt động có hiệu quả tăng mạnh. Nhiều HTX có thu nhập của thành viên đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng nên đã động viên các thành viên yên tâm tham gia và gắn bó với HTX, góp phần vào thực hiện có hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, vẫn còn nhiều bất cập xung quanh việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong đó, quy định của Luật Hợp tác xã về tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên không quá 20% vốn điều lệ chưa phù hợp, nhất là đối với khu vực này sản xuất hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn, đa dạng, rất cần vốn, một số thành viên của HTX có khả năng góp vốn lớn nhưng do quy định hiện hành nên không thu hút được nguồn vốn cho hoạt động của HTX.

Chưa có khung pháp lý, quy định chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ cao; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn; hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các HTX; hỗ trợ cho dịch vụ công của HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy định về tổ chức hội đồng quản trị gây khó khăn cho các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu phục vụ thành viên có doanh thu thấp vì tốn kém chi phí quản lý bộ máy. Chưa quy định chế tài xử lý đối với HTX và tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Hợp tác xã nên các cơ quan tổ chức thi hành Luật khó xử lý các vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các HTX đều gặp nhiều trở ngại là thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thiếu tư vấn của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, thiếu hệ thống bảo quản sau thu hoạch và năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với doanh nghiệp còn ít. Nhu cầu doanh nghiệp cần liên kết với HTX là rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải liên kết trực tiếp với các chủ trang trại, hộ nông dân để thu mua, tiêu thụ nông sản.

Theo Bộ NN&PTNT, nhằm triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã 2012, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội để hiểu rõ vai trò tất yếu của kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX đối với sản xuất nông nghiệp trong tình hình biến đổi khí hậu và hội nhập hiện nay.

Khẩn trương hoàn thiện các chính sách và cơ chế khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc đăng ký lại các HTX đang hoạt động, giải thể các HTX ngừng hoạt. Cố gắng cơ bản hoàn thành giải thể các HTX ngừng hoạt động trong năm 2018. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn cho việc giải thể cần rà soát, đánh giá và ban hành một số cơ chế xử lý dứt điểm các tồn đọng của các HTX.

Nâng cao hiệu quả của các HTX nông nghiệp trên địa bàn thông qua việc nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg. Khuyến khích liên kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo cơ hội để các HTX tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ theo Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, bảo hiểm nông nghiệp. Các tỉnh lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tiêu chuẩn an toàn; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX, thực hiện bảo lãnh tín dụng. Bố trí vốn và sớm triển khai các chính sách hỗ trợ HTX theo quy định. Tạo cơ chế để huy động nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị để hỗ trợ cho HTX phát triển. Cùng với đó, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX về nội dung cơ bản của Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản hướng dẫn Luật có liên quan và các kỹ năng điều hành, quản lý HTX. Đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên HTX để áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực