Đảm bảo nước gieo cấy vụ Đông Xuân cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ

Thứ năm, 22/02/2018 18:21
(ĐCSVN) - Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thực hiện công tác lấy nước phục vụ vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, các địa phương đã chủ động trong việc vận hành hệ thống thủy lợi nhằm từng bước đảm bảo nước gieo cấy cho tổng cộng 611.800 ha lúa.

Ảnh minh họa (Ảnh: ML)

Để đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ làm đất, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng làm 3 đợt lấy nước, thời gian tổng cộng 18 ngày (Đợt 1 gồm 4 ngày, từ ngày 16/1 đến 19/1; Đợt 2 gồm 8 ngày, từ ngày 28/1 đến 4/2; Đợt 3 gồm 6 ngày, từ 9/2 đến 14/2/2018). Thực tế do tiến độ lấy nước được thực hiện nhanh hơn dự kiến, thời gian lấy nước đã rút ngắn 3 ngày so với kế hoạch gồm: 1 ngày của Đợt 2 và 2 ngày của Đợt 3, tổng cộng thời gian 3 đợt xả nước là 15 ngày.

Kết thúc lấy nước Đợt 1, diện tích có nước tổng cộng của các địa phương là 180.190ha, đạt 29,5% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Kết thúc Đợt 2, diện tích có nước là 455.449ha, đạt 74,4% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Kết thúc Đợt 3, diện tích có nước 536.515ha, đạt 87,68% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Tuy nhiên, nếu không kể tỉnh Bắc Giang (địa phương chỉ có khoảng 20% diện tích lấy nước từ hệ thống sông Hồng, hiện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước phần diện tích này) thì diện tích có nước trung bình từ các tỉnh còn lại đạt 92,62%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường. Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng.

Tuy nhiên, trong các đợt xả nước, do nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ vận hành được 7/8 tổ máy nên mực nước hạ du sông Hồng không bảo đảm để cho một số công trình thủy lợi lấy nước đạt hiệu quả cao. Tập quán làm đất khác nhau dẫn đến nhu cầu nước giữa các địa phương không thống nhất thời gian,dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước.

Thời gian lấy nước Đợt 1 phù hợp với các tỉnh ven biển nhưng các địa phương vùng trung du chưa có nhu cầu lấy nước cao, dẫn đến tiến độ lấy nước các địa phương không đồng đều.

Để việc cấp nước phục vụ sản xuất cho các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Sơn Tây khoảng 3,2m trong thời gian từ ngày 18/2 đến hết tháng 2/2018 để đảm bảo cho trạm bơm dã chiến Phù Sa hoạt động, cấp đủ nước phục vụ gieo cấy và phục vụ tưới dưỡng cho các diện tích đã gieo cấy của các địa phương khác.

Cùng với đó, chỉ đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đơn vị thực hiện Đề tài nghiên cứu “Dự báo xu thế biến đổi hạ thấp lòng dẫn và đề xuất giải pháp khắc phục, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình” đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đề xuất giải pháp khắc phục việc hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng; ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án xây dựng trạm bơm Phù Sa (thành phố Hà Nội) để giải quyết khó khăn về nguồn nước ở khu vực này,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực