Nghệ An gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 25/05/2017 11:23
(ĐCSVN) - Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất trong cả nước, trong đó vùng miền núi chiếm gần 75% và có đông đồng bào các dân tộc thiểu số. Xác định bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội là mục tiêu phát triển, do vậy thời gian qua tỉnh đã tập trung nhiều biện pháp để thực hiện giảm nghèo bền vững.

Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.H)

Theo UBND tỉnh Nghệ An, địa phương có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và 1 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (huyện Quỳ Châu) được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Có 106 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 và 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Xác định giảm nghèo vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vừa tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng củng cố hệ thống chính trị, góp phần ổn định trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Do vậy, trong 5 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã tập trung nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, thời gian qua địa phương đã thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 05/KL-TU ngày 3/10/2011 về chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 597/QĐ-UBND ngày 29/3/2011 ban hành kế hoạch thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Quyết định số 3946/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2011 phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015; Đề án giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020. Đồng thời, các cấp ủy, UBND các cấp, các sở, ban ngành đã tổ chức học tập và quán triệt Nghị quyết chuyên đề giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở cho cán bộ, đảng viên. Công tác xoá đói giảm nghèo đã được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm và hàng năm của tỉnh, các sở, ban, ngành và cấp ủy, UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Nhờ đó, công tác xóa đói giảm nghèo đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội trên địa bàn; đưa hoạt động giảm nghèo vào nhiệm vụ chính trị trong chương trình công tác của mình. Nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp đã có Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn; có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên nên công tác chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất, tập trung trọng tâm vào các nội dung, chính sách giảm nghèo.

Nhằm huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, địa phương đã thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh và cùng với việc tập trung đẩy mạnh vận động xã hội hóa nên đã huy động được 14.543,29 tỷ đồng (chưa tính đến nguồn lực của nhân dân tự bỏ vốn). Trong đó, ngân sách trung ương đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia là 13.748,76 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí theo cơ chế của tỉnh là 55,0 tỷ đồng, huy động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ là 739,53 tỷ đồng.

Do vậy, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bình quân trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,07%/ năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, từ 2,5-3,0% năm. Đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 22,89%, tương đương với 164.290 hộ. Số hộ cận nghèo còn 13,45%, tương đương 96.538 hộ. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn khoảng 7,5% hộ nghèo. Riêng 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và huyện Quỳ Châu theo Quyết định 293 giảm từ 6 - 7%/năm (kế hoạch đề ra từ 4 - 5%/năm).

Kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển được lên rõ nét. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh nhiều nơi đã có nhiều khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, so với bình quân cả nước tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn ở mức cao hơn mức bình quân cả nước - dưới 5%, số hộ cận nghèo còn trên 11,4%, tương đương 90.354 hộ. Hộ nghèo và hộ cận nghèo tập trung nhiều ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giáo dân, ven biển.

Nhằm đẩy mạnh giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, Nghệ An đã xác định cần tập trung huy động đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo. Cụ thể, hàng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 3%/ năm theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020; trong đó, các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 4 - 5%/năm. Đảm bảo 100% hộ dân, nhất là hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và hệ thống thông tin. 100% số xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa. Kết cấu hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo được hoàn thiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra, Nghệ An đã đề ra các giải pháp thực hiện chủ yếu trong thời gian tới đó là, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân. Xác định rõ mục đích, ý nghĩa đối với công tác giảm nghèo cho nhân dân trong những năm tới. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn miền núi, ven biển, những vùng tỷ lệ hộ nghèo còn cao để đẩy nhanh tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân.

Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo; tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, chú trọng công tác xuất khẩu lao động.

Tổ chức tốt công tác tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí và phương pháp tiếp cận đa chiều một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Đồng thời, gắn với việc đánh giá phân loại hộ nghèo theo từng nhóm hộ, nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng phần mềm công nghệ thông tin.

Tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo. Phấn đấu, tổng nguồn vốn huy động trong 5 năm tới đạt 18.500 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 3.700 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảm nghèo và tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong công tác xóa đói giảm nghèo….

Đ.H
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực