Tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thứ sáu, 15/12/2017 01:00
(ĐCSVN) - Chiều 14/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ NN&PTNT.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: BT)

Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang, sau 2 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 04/2015/TTLT-BCA-BNNPTNT ngày 16/6/2015 giữa Bộ Công an và Bộ NN&PTNT quy định việc phối hợp công tác đảm bảo an ninh, an toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị của lực lượng công an đã tăng cường, phối hợp các lực lượng của Bộ NN&PTNT kiểm tra, thanh tra, kiểm soát an toàn thực phẩm và ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi có những hành vi trái phép, nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh tôm tạp chất…Qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về kinh doanh vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi.

Công an các đơn vị của Bộ Công an đã phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT thành lập hơn 300 đoàn thanh tra liên ngành thanh, kiểm tra đột xuất trên 9.000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt vi phạm hành chính với 6.700 cơ sở, nộp ngân sách trên 40 tỷ đồng; thanh tra, kiểm tra trên 10.000 lượt liên quan đến công tác bảo vệ rừng, qua đó phát hiện và xử lý trên 7.500 vụ, phạt vi phạm hành chính trên 83 tỷ đồng, tịch thu gần 1.124 m3 gỗ các loại.

Qua 2 năm triển khai, các đơn vị thuộc hai Bộ và địa phương đã phối hợp xác minh, xử lý nhiều đơn thư, vụ việc phức tạp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đã tổ chức điều tra, khởi tố một số trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Cùng với đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai những năm gần đây, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì nghiêm túc công tác ứng trực đảm bảo về quân số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông tin liên lạc, phương tiện sẵn sàng phối hợp các đơn vị của ngành NN&PTNT trong việc xử lý hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh... không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên phối hợp kiểm tra an ninh, an toàn các công trình thủy lợi; hướng dẫn ngư dân, sắp xếp tàu thuyền neo đậu trong khu vực neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, tham gia cứu hộ cứu nạn.

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang, trong quá trình triển khai Thông tư liên tịch, công tác phối hợp ở một số địa phương chưa thường xuyên, còn hình thức, nội dung phối hợp còn hạn chế, chưa hiệu quả. Vẫn còn một số cán bộ có tâm lý e ngại trao đổi thông tin với cơ quan Công an, tâm lý coi công tác đảm bảo an ninh trật tự là trách nhiệm của ngành Công an. Thông tin chủ yếu do lực lượng Công an phát hiện, tham mưu kiến nghị, xử lý; một số đơn vị chưa chủ động trao đổi, chỉ đến khi vụ việc nảy sinh phức tạp mới đề nghị phối hợp giải quyết.

Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại một số nơi còn mang tính vụ việc, bị động, lúng túng; việc phối hợp xử lý sai phạm trên một số lĩnh vực như: quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh, phòng chống tội phạm.

Về phương hướng phối hợp trong thời gian tới, hai Bộ sẽ tiếp tục triển khai thông tư liên tịch đến tất cả các cơ sở ngành NN&PTNT và ngành công an, tạo sự thống nhất về nhận thức, xác định trách nhiệm của mỗi bên trong phối hợp thực hiện, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc sau 2 năm thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành.

Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, sớm xử lý dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn, đơn thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài tại một số cơ sở nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những phức tạp liên quan đến an ninh. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh chính trị nội bộ; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp đi đối với đảm bảo an ninh là nội dung quan trọng trong phát triển bền vững. Là đất nước nhiều đồi núi và có nền kinh tế biển, vì vậy, đặt ra nhiều vấn đề về an ninh. Với những kết quả quan trọng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua, không chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân trong nước mà còn dành khối lượng lớn nông sản xuất khẩu. Năm nay, con số dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt 36 tỷ USD, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Góp phần cho kết quả này không thể không kể đến mặt trận về an ninh, hỗ trợ, đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá cao những kết quả phối hợp công tác giữa hai Bộ trong thời gian qua, đặc biệt trong các công tác giải quyết các vấn đề kinh doanh phân bón giả, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, công tác phòng chống thiên tai,…Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị trong thời gian tới, thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị các cấp của hai Bộ cần tập trung tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, chiến sỹ trong việc đảm bảo an ninh ngành NN&PTNT.

Các cơ quan đơn vị hai Bộ chỉ đạo, phối hợp, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, nhất là vấn đề thông tin chuyên ngành nhằm tạo điều kiện cho các bên hoạt động phối hợp hiệu quả. Đồng thời, thực hiện phối hợp trong thực hiện Thông tư 04, cần tiếp tục tổ chức rà soát, nghiên cứu bổ sung, bám sát quy định pháp luật trong công tác phối hợp, phù hợp với quy định của 2 Bộ. Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp của hai Bộ trong năm 2018./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực