Bình Định: Đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế - xã hội địa phương

Thứ ba, 07/07/2020 17:36
(ĐCSVN) – Vẫn trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn, ngày 7/7, tỉnh Bình Định đã kiến nghị giao tổng nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021-2025 tăng tối thiểu 5% so với giai đoạn 2016-2020.

Lý Sơn (Quảng Ngãi): Đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Ngoài ra là một số kiến nghị khác để đảm bảo sự phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh với hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan Trung ương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới hiện nay.

Kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu 2020

Đoàn công tác của Bộ làm việc với UBND tỉnh Bình Định (Ảnh: MPI) 

Điểm đáng ghi nhận là hiện nay, tỉnh Bình Định chưa có trường hợp nhiễm COVID-19 nào. Với tinh thần quyết tâm duy trì, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 2,01% so với cùng kỳ, tuy chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra nhưng lại là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá toàn diện, với giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,7% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,49%; cơ cấu các ngành, nhóm ngành tương đối bền vững, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 5,14%, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước 2,34% (Chỉ số IIP bình quân cả nước tăng 2,8%). Hoạt động xuất khẩu toàn tỉnh phát triển khá, đạt 520,2 triệu USD (bằng 53,6% dự toán năm), tăng 14,6% so với cùng kỳ; hàng hoá thông qua cảng biển đạt 6,12 triệu TTQ, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch kém sôi động so với cùng kỳ, trong đó lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1,2 triệu lượt, giảm 53,6%. Bắt đầu từ tháng 5 trở đi, cùng với chủ trương của Trung ương từng bước mở cửa các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và các gói kích cầu du lịch và mua sắm tiêu dùng..., lượng khách du lịch đến Bình Định đang từng bước tăng trở lại; theo đó, lượng khách du lịch đến tỉnh Bình Định trong tháng 5 – 6/2020 gấp đôi so với các tháng trước.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Bình Định quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, 06 tháng đầu năm 2020, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnhđạt 2.814 tỷ đồng, đạt 42,6% kế hoạch năm (đứng vị trí thứ 02 khu vực miền Trung và thứ 22 trên cả nước, trong đó giải ngân vốn ODA cao nhất cả nước).

Công tác hỗ trợ an sinh xã hội luôn được bảo đảm. Toàn tỉnh đã cơ bản chi trả hoàn thành cho các nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng cộng 265 nghìn người, tổng số tiền hỗ trợ hơn 260 tỷ đồng.

Định hướng phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030

 Đoàn công tác khảo sát thực địa (Ảnh: MPI)

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ KH&ĐT về định hướng phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn 2021-2030, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBDN tỉnh Bình Định thông tin, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh và tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Phấn đấuxây dựng Bình Định trở thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực miền Trung; trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu và công nghiệp chế tạo, chế biến của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch miền Trung với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Cụ thể, tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ, đẩy mạnhhoàn thiện các khu vực đô thị ven biển để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; Hoàn thiện hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; Phát triển khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển của tỉnh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Nhân dịp này, đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng kiến nghị đoàn công tác của Bộ mà trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một số nội dung về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xây dựng tỉnh Bình Định trở thành một trong những địa phương phát triển của khu vực miền Trung.

Cũng theo đồng chí Hồ Quốc Dũng, trên cơ sở chức năng của Bộ, đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh một số dự án công trình giao thông liên quan tới hạ tầng của tỉnh gồm có: Dự án Tuyến đường Quốc lộ 19, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1; Dự án cao tốc Bắc – Nam (đoạn Quảng Ngãi – Bình Định); Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; các tuyến đường Quốc lộ 19B, 19C đoạn qua tỉnh Bình Định; Dự án Cầu Thị Nại 2; Dự án Tuyến đường từ Quốc lộ 19C kết nối Cảng Quy Nhơn; Dự án Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với Quốc lộ 1 trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; Dự án Đường ven biển đoạn qua tỉnh Bình Định…

Về lĩnh vực Nông nghiệp, Bình Định cũng kiến nghị Trung ương bố trí hỗ trợ vốn cho một số dự án trọng điểm như: Dự án Đập dâng Phú Phong; Cảng cá và Khu neo đậu trú bão Tam Quan tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn…

Song song là một số dự án ODA được hỗ trợ dự án vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Dự án: “Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu thị xã Hoài Nhơn” sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của AFD; Dự án “Phát triển tích hợp thích ứng – Tiểu dự án tỉnh Bình Định” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án cấp nước sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh Bình Định… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

HNV (theo MPI)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực