Cần chú ý tới các thủ tục pháp lý khi khởi nghiệp

Thứ ba, 09/06/2015 20:11

(ĐCSVN) - Tháng 11/2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII. Đây là hai Văn bản Luật được đánh giá là đi đầu về cải cách hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã được tổng hợp, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Đề cập tới nội dung này tại Diễn đàn khởi nghiệp 2015 diễn ra ngày 9/6 tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nhấn mạnh 7 điểm mới trong quy định pháp lý liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

 

 Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh tại Diễn đàn. (Ảnh: HNV)


Theo đó, thứ nhất, chuyển từ nguyên tắc doanh nghiệp được kinh doanh trong phạm vi những gì pháp luật cho phép sang nguyên tắc tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm theo quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013. Khi thành lập mới, doanh nghiệp ghi ngành nghề dự kiến trên Giấy đề nghị, cơ quan đăng ký kinh doanh lưu ngành, nghề kinh doanh trong cơ sở dữ liệu và không cần ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thay đổi ngành, nghề, doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật lại trong cơ sở dữ liệu, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, khẳng định Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là giấy chứng nhận sự ra đời của doanh nghiệp, không phải là giấy phép kinh doanh, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Thứ ba, thay đổi phương thức quản lý con dấu: doanh nghiệp được tự quyết định về quản lý, sử dụng con dấu, tự quyết định về nội dung, hình thức và số lượng con dấu. Doanh nghiệp công khai mẫu dấu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ tư, tạo cơ sở pháp lý để kết hợp thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội nhằm đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Thứ năm, mở rộng các đối tượng được quyền hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty, tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt hơn trong tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.

Thứ sáu, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực đó có trách nhiệm theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi doanh nghiệp. Trách nhiệm chia sẻ thông tin cho cơ quan có liên quan khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

Thứ bảy, thay đổi về tư duy giải thể doanh nghiệp, quy định rõ hơn và hợp lý hơn về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, quy định quy trình đơn giản để những doanh nghiệp yếu kém, không còn đủ sức tồn tại rút lui khỏi thị trường.

Cũng liên quan đến quy định về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, bà Hồng Minh thông tin thêm Luật Đầu tư 2014 đã ban hành Danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Việc thống kê, xây dựng Danh mục 267 ngành, nghề đã được Quốc hội đánh giá là “nỗ lực vượt bậc’’ của cơ quan xây dựng Luật. Đối với những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm và không thuộc Danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh mà không phải xin phép bất cứ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào. Hiện nay, Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các biểu mẫu thông tin về điều kiện kinh doanh đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để người dân, doanh nghiệp được biết và tuân thủ.

Bên cạnh những cải cách pháp lý nêu trên, môi trường kinh doanh Việt Nam đang ngày càng trở nên minh bạch hơn với việc áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào các quy trình thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, từ năm 2010 đến nay, Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã tin học hóa hoàn toàn quy trình, nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, giúp giảm thời gian đăng ký doanh nghiệp từ 15 ngày trước kia chỉ còn 05 ngày thời điểm hiện nay. Sau 01/7/2015, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, số ngày thực hiện đăng ký doanh nghiệp sẽ chỉ còn 03 ngày làm việc. Cũng kể từ 01/7/2015, Hệ thống sẽ cho phép thực hiện đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất về doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bổ sung vào khối dữ liệu của trên 800.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp - đây cũng là một trong 6 Cơ sở dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015.

Được biết, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới mô hình dịch vụ hành chính công hiện đại, Bộ KH&ĐT hiện đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào áp dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến, bao gồm: Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; Đăng công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Các dịch vụ này đáp ứng yêu cầu đối với dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 – cấp độ cao nhất, cho phép thực hiện một chu trình khép kín từ nộp hồ sơ, giải quyết hồ sơ đến thanh toán lệ phí trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua mạng điện tử; giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Ngoài ra, việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động của doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh triển khai. Hiện tại, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và cơ quan hải quan đã sử dụng chung mã số doanh nghiệp trong công tác quản lý nhà nước. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến ba lĩnh vực này. Đồng thời, thực tế triển khai áp dụng chung mã số doanh nghiệp trong các lĩnh vực này cũng đã chứng minh rằng đây là điều kiện cần thiết để hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại và minh bạch.

Có thể thấy,các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã tập trung triển khai sâu rộng các cải cách pháp lý cũng như kỹ thuật nhằm đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh lưu thông nguồn vốn xã hội đưa vào sản xuất-kinh doanh. Những giải pháp trên cũng đón nhận được phản ứng tích cực từ thị trường, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và số vốn đăng ký đưa vào thị trường tiếp tục tăng từ năm 2014 cho đến những tháng gần đây. Theo số liệu thống kê tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2015 dự kiến đạt 265 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với 5 tháng và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến là 44 nghìn doanh nghiệp, tăng 22% so với 5 tháng và tăng 18% so với cùng kỳ 2014.

Vì thế, để những cải cách chính sách có tác động thực sự đến doanh nghiệp, bên cạnh các công cụ pháp lý, điều quan trọng hơn cả chính là ý thức và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách, biến chính sách thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực