Cần quan tâm hơn đến thể chất, tinh thần trẻ em

Thứ sáu, 13/12/2019 18:51
(ĐCSVN) - Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em tổ chức Hội thảo Tổng kết chiến dịch “Lan tỏa yêu thương 2019 – Yêu thương đẩy lùi bạo lực” và Đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”.

Sự kiện thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội về Quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tài trợ.

Sự kiện diễn ra ngày 13/12, tại Hà Nội, có sự tham gia của đại diện Cục Trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội trung ương, cùng hơn 150 đại biểu gồm trẻ em, phụ huynh, đại diện các trường học, cơ quan, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo người quan tâm.

leftcenterrightdel
 Đại diện trẻ em phát biểu tại sự kiện (Ảnh: PV)

Tổng kết chiến dịch Lan toả yêu thương năm 2019, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ, Chiến dịch “Lan toả yêu thương 2019” thành công là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Cục trẻ em, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng đội Trung ương, và đặc biệt là các thành viên của Mạng lưới quản trị quyền trẻ em ở cả 3 miền Bắc Trung Nam. Có rất nhiều con số và thành tích được tổng kết,nhưng quan trọng hơn hết, không phải là các con số, mà ban tổ chức hy vọng chiến dịch đã truyền cảm hứng cho tất cả các bên liên quan trong việc Lan toả các giá trị yêu thương tích cực để đẩy lùi bạo lực.

Đánh giá về chiến dịch “Lan tỏa yêu thương 2019 – Yêu thương đẩy lùi bạo lực”, ông Nguyễn Thái An,  Uỷ viên Ban chấp hành TW Đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng đội Trung ương bày tỏ hoan nghênh chiến dịch Lan toả yêu thương và rất vui được đồng hành cùng chiến dịch, nhìn thấy chiến dịch đạt được những hiệu quả rõ rệt. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội đồng đội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng MSD và các tổ chức xã hội trong giáo dục cộng đồng bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại.

Ông Vương Đình Giáp, Giám đốc thực thi chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em khẳng định, đảm bảo quyền được bảo vệ trẻ em, trong đó bạo lực đối với trẻ em sẽ không còn được dung túng là một trong ba bước đột phá đến năm 2030 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Các chương trình can thiêp, các hoạt động vận động chính sách của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường các giải pháp về loại bỏ các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần đối với trẻ em.

Liên quan tới hoạt động đối thoại giữa các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức  trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em đã tạo ra một không gian mở để các bên liên quan được lên tiếng nêu lên thông điệp, quan điểm của cá nhân cũng như tổ chức, đơn vị, cùng trao đổi để tim hiểu thực trạng, nguyên nhân, thách thức. Nhiều ý kiến thảo luận, phản biện, câu hỏi đã được các đại biểu thẳng thắn đưa ra nhằm tìm kiếm các giải pháp, đề xuất để trẻ em được sống và lớn lên trong môi trường an toàn, nơi không có bạo lực, xâm hại, trừng phạt, nơi các em được bảo vệ và phát huy sự tham gia của mình.

Tham gia đối thoại, nhóm trẻ em tiêu biểu đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam chia sẻ cả nguyên nhân, hậu quả của việc đánh mắng trẻ và đưa ra các giải pháp và thông điệp. “Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị đánh mắng nhưng chủ yếu vì cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, và có các biện pháp giáo dục, đồng hành với chúng con, cũng chưa tin tưởng chúng con”. Nhóm trẻ em đã đưa ra thông điệp tới người lớn là: Hãy giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương, Dạy trẻ không doạ trẻ, và Trẻ nên người không phải bởi đòn roi. Đây là các thông điệp rất ý nghĩa và đánh động tới tất cả những người tham gia sự kiện.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ “Tôi rất ấn tượng với các thông điệp và giải pháp được trao đổi trong đối thoại. Lắng nghe trẻ em và các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Đây sẽ là nguồn tham khảo thiết thực cho chúng tôi trong các kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong thời gian tới”.

Trong phần đối thoại mở, các đại biểu cũng đưa ra thêm nhiều ý kiến, quan điểm phong phú, trong đó khẳng định việc trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em hiện nay rất phổ biến, đặc biệt trong môi trường gia đình và nhà trường và cần có các giải pháp mang tính tổng thể, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em.

 

 

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực