Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030

Thứ ba, 23/04/2019 18:29
(ĐCSVN) – Đối với hoạt động sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì triển khai 02 Chiến lược và Chương trình quốc gia về sản suất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (Ảnh:K.D)

Ngày 23/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ Công Thương nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2019 là xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thể hiện cam kết chính trị to lớn của Việt Nam cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể là một đề xuất đầy thách thức cần có sự tham gia của toàn xã hội cùng nhau đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể có quan hệ chặt chẽ, không thể chia tách, phản ánh sự cân bằng 3 chiều cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, Mục tiêu thứ 12 về đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững thể hiện rất rõ sự cân bằng 3 chiều cạnh này.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ngay cả khi Chương trình Nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 chưa được ban hành, Bộ Công Thương đã chú trọng và triển khai rất nhiều các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững như: Trình Chính phủ ban hành và chủ trì thực hiện Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2009 - 2020; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2005 - 2016; Chương trình Thương hiệu quốc gia; Chương trình xúc tiến thương mại; Các chương trình khuyến công... Đi đôi với việc xây dựng, thực hiện các Chương trình này, Bộ Công Thương cũng đã và đang thực hiện việc xây dựng, đề xuất các cơ quan thẩm quyền ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hướng đến phát triển bền vững.

Đối với hoạt động sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương từ năm 2009 đến nay đã và đang chủ trì triển khai 02 Chiến lược và Chương trình quốc gia về sản suất sạch hơn và tiêu dùng bền vững. Đến nay, 2 Chiến lược và Chương trình quốc gia đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Hiện có 47 trung tâm trên cả nước có hoạt động tư vấn, hỗ trợ sản xuất sạch hơn; gần 500 chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn; 45 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn; khoảng 150 tỷ đồng đã được dành cho thực hiện các hoạt động Sản xuất sạch hơn. Bộ Công Thương cũng đã thành lập Văn phòng về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, trung tâm sản xuất sạch hơn và có trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc như thiếu kinh phí, chính sách cụ thể cho hoạt động sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững; hay những thách thức trong việc chuyển đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng hướng đến bền vững.

Tại Quyết định số 662/QĐ-TTG ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng và triển khai Khung Chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Với các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua của Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và Chương trình Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chương trình quốc gia giai đoạn đến năm 2030 này dự kiến sẽ đề xuất các mục tiêu và các hoạt động nhằm tiếp tục triển khai đồng thời các hoạt động thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Thông qua đó sẽ góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bruno Angelet, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, trước đây, người châu Âu cũng có những vấn đề ô nhiễm nhưng chúng tôi đã có thể xử lý, giờ đây nguồn nước đó người dân có thể bơi và sử dụng được. Việt Nam hiện nay có thể tiếp cận các công nghệ, hoàn toàn có thể là nước đi đầu trong 5G, đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ... và chúng ta cùng làm để tiến nhanh về phía trước.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã cùng chia sẻ những kết quả thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững của Bộ Công Thương giai đoạn 2016 - 2018; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, định hướng giai đoạn 2020 - 2030; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng kế hoạch hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững; định hướng chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam...

Hội thảo cũng chia thành 2 nhóm thảo luận về: Xây dựng chuỗi cung ứng xanh và hành vi tiêu dùng xanh; Chính sách, cơ chế phối hợp thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.

 

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực