"Cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới"

Thứ ba, 26/11/2019 13:56
(ĐCSVN) - Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) phối hợp cùng Cơ quan Viện trợ Ai-len (IrishAid) tổ chức vừa mới đây tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm mục tiêu tổng kết những nét nổi bật của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, chia sẻ các dự báo cho giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm hướng tới nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững trong trung và dài hạn.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tại Hội thảo (Ảnh: PV)

Tại Hội thảo, Giám đốc NCIF Trần Thị Hồng Minh cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi quan trọng gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của dựa trên các đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và khoa học công nghệ với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Với tốc độ kinh tế được đánh giá cao trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn 2021-2025 với nhiều triển vọng phát triển.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ kỷ nguyên số và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam đang tập trung cải cách theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ngoài nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cũng đứng trước nhiều thách thức và áp lực không nhỏ khi Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF). Các hiệp định này dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước, tới doanh nghiệp và toàn xã hội, Giám đốc Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Phó Đại sứ, Trưởng ban Phát triển Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam Elisa Cavacece thì cho rằng, Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến triển vọng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nội dung trong khuôn khổ Chương trình chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Chính phủ Ai-len (IDEAS) dành cho Việt Nam. Qua đó nhằm chia sẻ những kinh nghiệm để hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam cũng như góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ai-len trong thời gian tới.

Bà Elisa Cavacece cho rằng, thực tế Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Điều này tạo ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như các nước khác để có thể thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mình. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP và EVFTA sẽ mang lại những thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ về các vấn đề liên quan đến thể chế.

Cũng tại Hội thảo, Phó Giám đốc NCIF Đặng Đức Anh đã trình bày tổng quan những xu hướng, diễn biến trong phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn liên quan đến tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Qua đó đưa ra những nhìn nhận về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua và đưa ra những định hướng, triển vọng phát triển giai đoạn 2021-2025 cũng như những tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đưa ra các dự báo về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho giai đoạn 2021-2025.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực