Cổng dịch vụ công quốc gia và lợi ích dành cho doanh nghiệp

Thứ năm, 21/05/2020 14:38
(ĐCSVN) - Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 khiến quá trình phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu cũng như Việt Nam bị gián đoạn nghiêm trọng. Để ứng phó và đẩy lùi đại dịch, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.
Ông Ousmane Dione (Ảnh: H.N)

Cũng theo ông Ousmane Dione, Việt Nam đã phòng chống đại dịch COVID-19 quyết liệt và hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch đã được công nhận và khen ngợi trên toàn cầu. Nhưng nếu cần phải nêu một bài học kinh nghiệm nổi bật, có lẽ là việc các chính phủ cần phải đáp ứng nhanh các nhu cầu dịch vụ số. Giá trị của Cổng thông tin điện tử quốc gia đã được minh chứng trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Với các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước. Sự phát triển của Cổng dịch vụ công quốc gia kể từ thời điểm khai trương cách đây 5 tháng, với gần 37 triệu lượt truy cập, hàng trăm dịch vụ được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, cũng như lượng thông tin và phản ảnh kiến nghị được gửi qua Cổng. 

Chính phủ đã huy động nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch. Chính phủ tiếp tục thúc đẩy cải xây dựng phủ điện tử cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Ông Ousmane Dione đề xuất ba biện pháp có thể thực hiện ngay, một biện pháp cho cộng đồng doanh nghiệp và hai biện pháp cho Chính phủ để tăng cường hơn nữa tác động của các nỗ lực cải cách xây dựng chính phủ số trong thời gian tới.

Thứ nhất, hành động đề xuất cho cộng đồng doanh nghiệp là đẩy mạnh quá trình số hóa. COVID-19 cũng có thể coi là một hồi chuông cảnh tỉnhvới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp. Trong cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến ít bị tác động nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. Một nghiên cứu được thực hiện tại Singapore năm 2019 cho thấy việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo/phân tích dữ liệu lớn có thể làm tăng năng suất và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần lượt là 26% và 17%. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ USD giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025. Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có thể bắt đầu quá trình chuyển đổi số, để đảm bảo doanh nghiệp có thể thành công trong tương lai, bằng cách sử dụng các dịch vụ được cung cấp qua Cổng dịch vụ công quốc gia ngay từ hôm nay.

Về phía Chính phủ, ông Ousmane Dione đề xuất hai biện pháp như sau:

Thứ nhất, Dịch vụ công trực tuyến nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính, như tôi đã đề cập trong nhiều dịp trước đây. Bất kể có bao nhiêu dịch vụ được cung cấp trực tuyến, nếu những dịch vụ đó không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Do đó, điều quan trọng là Chính phủ hiểu rõ những lĩnh vực làm phát sinh nhiều thời gian và chi phí trong toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ để tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu thủ tục hành chính để dịch vụ trở nên thuận tiên và linh hoạt hơn cho doanh nghiệp. Dữ liệu và thông tin được khởi tạo và thu thập thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, chẳng hạn như hồ sơ giao dịch trực tuyến và các phản ánh kiến nghị, sẽ là thông tin đầu vào tuyệt vời để Chính phủ phân tích các lĩnh vực còn vướng mắc và giải pháp để gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp trong quy trình hiện tại. Các cơ sở dữ liệu khác, chẳng hạn như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, nộp thuế cũng sẽ đưa ra định hướng cải cách hữu ích trong các lĩnh vực tương ứng nếu được phân tích nhằm tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. 

Thứ hai, Chính phủ có thể đóng vai trò là bệ phóng để hỗ trợ khu vực tư nhân chuyển đổi số nhanh chóng hơn. Nhiều chính phủ đã khuyến khích và cho hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, tài chính và công nghệ ở các nước, từ rất lâu trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Một số ví dụ bao gồm Chương trình chuyển đối số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore năm 2017, Chương trình Chuyển đổi số Trung Quốc năm 2020 và Chương trình Doanh nghiệp nhỏ tiên phong chuyển đổi số của Úc. Sáng kiến của các chính phủ nêu trên đã hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh mới, như thương mại điện tử và các sản phẩm kỹ thuật số, bao gồm giải pháp phần mềm, công cụ truyền thông điện tử (e-mail, phương tiện truyền thông xã hội, điện thoại di động) và các hệ thống tiên tiến khác (AI, robot, in 3D) để vận hành mọi khía cạnh hoạt động của công ty, từ đó tăng đáng kể năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp ở các quốc gia này.

“Chúng ta có thể biến nguy thành cơ. Không nghi ngờ gì, COVID-19 chính là chất xúc tác cho cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phục hồi, chuyển đổi và khai thác lợi ích của nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Ngân hàng thế giới cùng các đối tác phát triển luôn sẵn sàng đồng hành với Chính phủ trong lộ trình thử thách này” - theo ông Ousmane Dione.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực