Đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân

Thứ năm, 18/01/2018 16:51
(ĐCSVN) - Ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Nghị quyết số 10-NQ/TW đã đề ra mục tiêu, tổng quát nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong đó, Đảng, Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng trường của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65 %. Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4, nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nghị quyết đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp. Thứ nhất là thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai, việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân tập trung vào: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực. Thứ ba, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thứ tư là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thứ năm là đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

Có thể nói đây là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân và sự phát triển của Đất nước. Dưới góc độ nghiên cứu phát triển, nhóm tác giả muốn đề cập tới sự phát triển của kinh tế tư nhân và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển với việc thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH).

Tại Việt Nam, TNCH là một khái niệm còn khá mới mẻ và thực tế là nhiều DN chưa hiểu đúng về khái niệm này. Họ hiểu trách nhiệm xã hội dưới góc độ hẹp, theo nghĩa truyền thống, tức là DN thực hiện TNXH như là một hoạt động đơn thuần chỉ là tham gia “giải quyết các vấn đề xã hội” mang tính nhân đạo, từ thiện. Với cách hiểu này dẫn đến TNXH của DN không mang tính bắt buộc mà là sự “tự nguyện” thực hiện của những doanh nghiệp có tầm nhìn về phát triển bền vững, trong điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Hiện đã và đang có nhiều hội thảo, nhiều chuyến đi thực tế cả trong nước, quốc tế để học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về TNXH (gần nhất là chuyến đi của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM sang Nhật Bản). Kết quả các cuộc trao đổi, thảo luận chuyên sâu về hoạt động CSR tại các tập đoàn lớn ở Nhật Bản cho thấy, thực hiện CSR xuất phát từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp thực hiện và CSR là tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện CSR chủ yếu thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí CSR, hướng dẫn để các doanh nghiệp tùy điều kiện cụ thể có thể lựa chọn áp dụng cho phù hợp. Trong quá trình thực hiện Chính phủ lắng nghe các nhu cầu từ doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện CSR cho mình, tức là cho xã hội và Nhà nước (Trung tâm Thông tin Tư liệu, CIEM, 2015).

 Bên cạnh đó, trong quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp từ năm 2009, năm 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, hiện đang giới hạn việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở hai lĩnh vực lao động và môi trường nhưng gần đây cũng đặt thêm tiêu chí “hoạt động kinh doanh có hiệu quả kinh tế”. Với các tiêu chí được VCCI đề xuất, đã cho thấy Việt Nam đang tiếp nhận và sử dụng khái niệm TNXH như đa số các tổ chức và doanh nghiệp khác trên thế giới. Việc xây dựng được quy chế và tiêu chí xét thưởng bước đầu đã tác động tích cực đến thái độ, nhận thức cũng như hành động của các doanh nghiệp về thực hiện TNXH.

TNXH của DN được du nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư của các công ty đa quốc gia. Do đó hoạt động TNXH của DN thường được các công ty này thực hiện bởi các bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực văn hóa kinh doanh và được thực hiện có bài bản, đạt hiệu quả cao. Chương trình cùng nhau làm sạch trái đất của công ty Ajinomoto Việt Nam, chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ em tại các tỉnh miền núi của công ty Unilever, chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo của Western Union,... Còn các công ty trong nước tham gia thực hiện TNXH chủ yếu đến từ các công ty xuất khẩu, đây là đối tượng tiếp cận trực tiếp đến TNXH. Hầu hết các đơn hàng đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều yêu cầu các công ty Việt Nam áp dụng chế độ lao động tốt (tiêu chuẩn SA8000 đối với các doanh nghiệp dệt may) hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với các doanh nghiệp nông nghiệp và thủy sản). Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác kinh doanh với các DN Việt còn yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt (đối với các công ty tài chính và ngân hàng). Chính điều này là động lực thúc đẩy các DN Việt Nam chủ động thực hiện TNXH (Thang, 2015).

 Khảo sát gần đây cho thấy có đến 62% số DN trong số 500 DN hàng đầu Việt Nam (VNR500) khi được hỏi cho rằng TNXHDN đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh và phát triển bền vững của DN. Bên cạnh đó, có đến 72% số DN cho rằng khía cạnh thu được nhiều lợi ích nhất từ việc thực hiện TNXH là xây dựng và nâng cao hình ảnh của DN trong mắt khách hàng và công đồng. Phần lớn các DN cho rằng cần thiết phải tích hợp hoạt động TNXHDN vào chiến lược phát triển chung của DN và coi việc thực hiện TNXH như một cách thức giúp DN tạo ra các năng lực cốt lõi và ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Hầu hết các DN lớn trong (VNR500) đều có dự định tăng ngân sách cho các hoạt động TNXHDN trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, đã không thực hiện trách nhiệm xã hội của mình một cách nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp có các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng.... Về nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện trách nhiệm xã hội của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam chưa được luật hóa. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp lớn có thị trường xuất khẩu, do yêu cầu của khách hàng nên họ buộc phải thực hiện trách nhiệm xã hội, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, do khó khăn về tài chính và thiếu ràng buộc về pháp lý nên nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu trách nhiệm xã hội như các hoạt động từ thiện. Nhiều người còn đang hiểu, việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng chi phí, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà chưa thấy ngay được lợi ích trong việc thực hiện TNXH mang lại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân không muốn thực hiện trách nhiệm xã hội.

Giải pháp đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp

Để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện:

Thứ nhất, các cấp, các ngành, các đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các doanh nghiệp, mà trước tiên là các chủ doanh nghiệp về TNXH của doanh nghiệp để họ hiểu đầy đủ về việc thực hiện TNXH được xem là một hành vi đạo đức và được điều khiển bằng động cơ đạo đức của người chủ và người lao động trong doanh nghiệp. Thực hiện TNXH chính là thể hiện hoạt động kinh doanh có đạo đức, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người lao động và gia đình họ, có những đóng góp cho cộng đồng dân cư địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như đối với toàn xã hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH không những tránh được các rủi ro pháp lý liên quan đến lao động, môi trường mà còn được hưởng lợi rất nhiều từ việc tiết kiệm chi phí, cải thiện năng suất, nâng cao giá trị thương hiệu, tăng khả năng thu hút lao động giỏi... qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

 Các doanh nghiệp cần hiểu rằng việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp và Đất nước. Các doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH không chỉ giúp bản thân doanh nghiệp phát triển bền vững, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Khi doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH là góp phần cùng với Chính phủ và các đối tác trong xã hội giải quyết các thách thức phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện bình đẳng giới, phòng chống tham nhũng…

Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách bắt buộc cũng như khuyến khích các doanh nghiệp phải thực thi TNXH một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Chẳng hạn, Nhà nước cần đưa TNXH của doanh nghiệp là một trong các tiêu chí trong thi đua khen thưởng, các ưu tiên sử dụng sản phẩm… Đồng thời, Nhà nước tăng cường công tác tuyên truyền về TNXH không chỉ ở doanh nghiệp mà còn của người dân. Trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân phải được nâng cao trong việc sử dụng quyền của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt, bảo vệ môi trường, quan hệ lao động tốt, đóng góp nhiều lợi ích cho xã hội…; chống lại các doanh nghiệp làm hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và có quan hệ lao động không lành mạnh.

Có thể nói, TNXH của doanh nghiệp là vấn đề tương đối mới mẻ với Việt Nam. Song, đẩy mạnh việc thực hiện TNXH trong doanh nghiệp là trực tiếp thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS. Hoàng Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực