Đẩy mạnh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong bối cảnh COVID-19

Thứ ba, 26/05/2020 17:45
(ĐCSVN) –Từ đầu năm nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thu hẹp hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Hình ảnh Diễn giả tham gia Hội thảo tại 3 đầu cầu Hà Nội (Việt Nam), New Delhi (Ấn Độ) và Kathmandu (Nepal) 

Tuy nhiên, theo Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, trong thách thức các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam vẫn khẳng định khí chất năng lực tiên phong, đi đầu trong các hoạt động chung tay với cộng đồng, từ đó góp phần ổn định đời sống xã hội, lan tỏa sức mạnh thương hiệu để tăng trưởng kinh tế, đưa thương hiệu Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động chung tay cùng cộng đồng

Thời gian vừa qua, chúng ta vẫn thường xuyên đón nhận những thông tin, hình ảnh về nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đóng góp hàng tỷ đồng tiền mặt cho cộng đồng, các doanh nghiệp THQG còn rất đổi mới, sáng tạo với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Với Vinamilk, chương trình “Triệu bước đi, đẩy lùi Cô-vi” dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với hình thức kêu gọi nhân viên đóng góp số bước đi đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của hàng ngàn nhân viên Vinamilk tại các đơn vị thành viên trong và ngoài nước. Cụ thể, với mỗi bước chân của nhân viên được ghi nhận bằng các ứng dụng di động đếm số bước đi, Vinamilk sẽ đóng góp 100 đồng vào quỹ “Vinamilk - Triệu bước đi, đẩy lùi Cô-vi”. Chương trình đã thu được “lợi ích kép” bởi không chỉ hỗ trợ trẻ em khó khăn, hình thức gây quỹ bằng số bước chân (với hơn 20 triệu bước chân - tương đương hơn 2 tỷ đồng) mà còn khuyến khích nhân viên “giảm ngồi, tăng đi, năng vận động” trong hoạt động thường ngày. Điều này giúp nhân viên có được tinh thần tích cực, nâng cao sức khỏe và tăng cường đề kháng để phòng chống dịch bệnh cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

Góp phần phòng chống dịch COVID-19, VIGLACERA đã đưa sứ vệ sinh kháng khuẩn trước mắt vào các điểm công cộng, sau đó tới người tiêu dùng trong chuỗi hoạt động “Hành trình Kiến tạo không gian sống khỏe”. Dòng sản phẩm này có khả năng tự diệt khuẩn, thường được dùng trong các cơ sở y tế, bệnh viện tại nước ngoài, nơi có môi trường yêu cầu sự vô trùng cao, được Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh chứng nhận diệt đến 89% vi khuẩn gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Qua phong trào, Viglacera mong muốn truyền cảm hứng về sống khỏe và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng người dân, mang đến nhiều sản phẩm nội địa chất lượng cao, góp phần khẳng định một thương hiệu Việt cho người Việt.

Hay như phong trào “Happy mask - khi chiếc khẩu trang hoá hy vọng” với mong muốn “hô biến” nỗi sợ hãi vô hình về dịch bệnh, tạo nên niềm vui, sự thoải mái, xóa bỏ sự ngăn sách, hạn chế khi thể hiện tình cảm sau chiếc khẩu trang của Công ty VIETTRAVEL. Thông điệp tích cực còn được Vietravel truyền tải qua Vũ điệu Happy Mask với điệu nhảy của Quang Đăng: "Chỉ với chiếc khẩu trang xinh, cùng ta lung linh, khiến Cô Vy lặng thinh..."; "Cười lên Việt Nam tôi". Vũ điệu dần được các bạn trẻ đón nhận và hào hứng tham gia thử thách nhảy cover "ngồi yên tại chỗ".

Bộ Công Thương hành động cùng đồng hành với doanh nghiệp

Với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam, Bộ Công Thương  đã có nhiều biện pháp cụ thể đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước như:

Phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đạt THQG phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh như: quảng bá trên các phương tiện truyền thông số, thực hiện phóng sự, bài viết trên báo chí, truyền hình… trong và ngoài nước.

Phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến. Đơn cử như Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc (CCPIT Tứ Xuyên) với Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm phòng chống dịch COVID-19 Trung Quốc (Tứ Xuyên) ngày 31/3/2020; Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal và Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam với Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại thông qua Cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal” (ngày 20/5/2020); Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) với Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) trong 2 ngày 26-27/5.

Qua các chương trình giao thương, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các khách hàng tiềm năng, trao đổi trực tiếp với các khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tạo cơ sở quan trọng ban đầu để doanh nghiệp tiếp nối các giao dịch tiếp theo.

Phối hợp với các UBND, Sở Công Thương trên cả nước tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 thông qua hình thức tuyên truyền băng rôn, banner trên một số tuyến phố, trên cổng thông tin điện tử. Ngay tại trụ sở của Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng thực hiện việc quảng bá cho chương trình thông qua màn hình LED lớn. Các hình ảnh, video của các sản phẩm đã đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 liên tục được trình chiếu nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có thương hiệu đến người tiêu dùng.

Phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm hỗ trợ trợ thông tin cho các doanh nghiệp như Hội thảo trực tuyến “Những lưu ý về chứng nhận FDA và CE khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu trong lĩnh vực thiết bị y tế” vào ngày 26/5/2020…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng triển khai các hoạt động XTTM bền vững như hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới; Thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì, sản phẩm và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế; Tích cực phối hợp với các ngành hàng, các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng/ sản phẩm nhằm tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các biện pháp trên một mặt hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, tăng cường giao dịch thương mại trong nước, giúp doanh nghiệp củng cố, gia tăng sức mạnh thương hiệu sản phẩm, tạo đà xuất khẩu sau khi dịch Covid 19 bị đẩy lùi, mặt khác giúp đề cao vai trò của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.

Bài, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực