Để doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả

Thứ bảy, 10/02/2018 19:51
(ĐCSVN) - Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một hình thức đặc thù của kinh tế thị trường với đặc trưng cơ bản nhất là sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong điều kiện phân công lao động xã hội ngày càng phát triển.

 

Ảnh minh hoạ Nguồn: (baocongthuong.com.vn)

1. Doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Đại hội lần thứ X của Đảng đã phát triển quan điểm của Đại hội VIII và nêu ra 7 nội dung định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường, đó là: 1) thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; 2) giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; 3) đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn; 4) phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; 5) thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; 6) thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội; 7) phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng[i].

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một hình thức đặc thù của kinh tế thị trường với đặc trưng cơ bản nhất là sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong điều kiện phân công lao động xã hội ngày càng phát triển[ii]. Do đó, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là tất yếu và ngày càng có vai trò quan trọng.

Thực tế cho thấy, DNTN ở Việt Nam ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu và khẳng định vị trí quan trọng đối với nền kinh tế khi tăng từ 81,8% tổng số doanh nghiệp (DN) năm 2000 lên 96,7% năm 2015. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có số DN chiếm 3,9% năm 2000 giảm xuống còn 2,7% năm 2015, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm nhanh trong giai đoạn 2000-2015, từ chiếm 14,3% xuống còn 0,6% tổng số DN năm 2015[iii]. Về tổng quan, các DNTN phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ nhưng quy mô bình quân một DN về vốn, lao động thấp hơn nhiều so với khu vực DNNN và DN FDI. Đặc biệt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh của các DNTN thấp hơn khá nhiều so với DN thuộc hai khu vực kể trên.

Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của doanh nghiệp năm 2015

Chỉ tiêu

Phân theo khu vực

Doanh thu thuần bình quân 1 lao động (triệu đồng)

Tỷ lệ nộp ngân sách so với doanh thu (%)

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn (%)

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (%)

Hà Nội

DNNN

2266,4

12,0

2,3

4,8

DNTN

1090,6

3,2

0,7

1,5

DN FDI

1594,9

7,3

3,3

5,7

TP. Hồ Chí Minh

DNNN

2826,6

7,7

5,0

5,3

DNTN

1192,2

3,3

1,4

2,4

DN FDI

1119,2

6,3

4,4

6,8

Nguồn: TCTK, Hà Nội, 2017

Theo bảng số liệu của hai đầu tầu tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở trên, chúng ta có thể thấy DNTN thua kém về mọi mặt so với khu vực DNNN và DN FDI. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tuy các DNTN Việt Nam chiếm đến 98% số doanh nghiệp nhưng chỉ thu hút được 51% tổng số lao động, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu, 35% tổng mức đầu tư toàn xã hội và đóng góp 41% GDP. Như vậy, sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cho nền kinh tế còn rất hạn chế. Ngoài nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác thì việc chậm đầu tư vào công nghệ là một trong những nguyên nhân cơ bản.

2. Cơ hội đến định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường và kinh tế số

Kinh tế số hóa hiện đang là tiêu điểm trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia. Nền kinh tế số hóa cũng là động cơ tăng trưởng kinh tế, đang dần thay đổi cơ bản cách chúng ta suy nghĩ, làm ăn. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã dự báo, sau 20-30 năm nữa, con cái của chúng ta sẽ không làm những gì hiện nay chúng ta đang làm. Nền kinh tế số hóa có tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn cầu, đang tạo ra năng suất lao động vượt bậc và hiệu quả sử dụng mọi nguồn lực một cách vượt trội, tạo ra nhiều ý tưởng đột phá mới, sản phẩm mới, thương hiệu mới. Nền kinh tế số hóa là cơ hội phát triển DNTN Việt Nam.

Có thể 10-15 năm trước đây chúng ta không thể tưởng tượng được là Facebook, YouTube, Amazon, Uber, Grab, Alibaba,… sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Mọi tài nguyên, mọi dịch vụ trên nền internet đều có thể tiếp cận được qua một click chuột. Tất cả đều rất dễ dàng, giúp cho con người tiết kiệm được thời gian, chi phí, tăng sự chủ động, sáng tạo.

Trước đây, khi ta muốn đi xe ôm thì phải giải thích với bác xe ôm địa chỉ, mặc cả giá cuốc xe, nhưng hiện nay sử dụng dịch vụ Grab, Uber thì tất cả đều được thực hiện tự động. Rất thuận lợi. Sự xuất hiện của nền kinh tế số đang tạo ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho khu vực tư nhân Việt Nam.

Các dịch vụ số như Uber, Grab có thể đe dọa đến sự tồn tại của các hãng taxi truyền thống, dịch vụ bán hàng online Amazon, Alibaba, Sendo,… có thể ảnh hưởng đến hệ thống bán lẻ; ứng dụng nhắn tin đa nền tảng không trả phí Viber, WhatsApp, Skype, Zalo,… có thể làm giảm doanh thu của các nhà mạng viễn thông; YouTube, Yeah1,… ảnh hưởng đến phát thanh truyền hình, hay như mạng xã hội Facebook,… ảnh hưởng đến truyền thông,…

Thách thức là như vậy, nhưng cơ hội cũng mở ra cho các DNTN tiếp cận thị trường quốc tế qua công cụ ảo, triển khai các dịch vụ CNTT tiên tiến vào dịch vụ công, quản trị kinh doanh, marketing. Ví dụ về sự thành công của mạng truyển thông Yeah1 Network của Việt Nam, nhờ tập trung đầu tư vào công nghệ nên hiện nay đang xếp thứ 7 trong Top 10 mạng truyền hình trực tuyến, hàng tháng thu hút khoảng 4,2 tỷ người xem trên toàn cầu.

Để giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất của nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu như Văn kiện của Đảng đã chỉ rõ, khu vực tư nhân rất cần những chính sách tốt để tạo nên bước ngoặt, mang tính đột phá của nền kinh tế dựa vào phát triển nền kinh tế số. Đó là các chính sách của nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đầu tư vào công nghệ, phát triển tự động hóa trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội để tạo thị trường cho các sản phẩm tự động hóa trong nước; các chính sách để tăng cường hợp tác với các công ty trong nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, internet vạn vật, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Các chính sách hướng tới tạo lập môi trường thuận lợi để khởi nghiệp (start-up), nghiên cứu, trình bày và thử nghiệm những sáng kiến số, phát triển từ những ý tưởng ban đầu đến lên kế hoạch cho sự chuyển đổi đầu tư, để kinh tế số trở thành mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển của DN.

Đặc biệt, khuyến khích các DNTN tiếp cận giải pháp công nghệ mới thông qua các chính sách nhằm nâng cao năng lực công nghệ quốc gia trong các lĩnh vực trọng yếu của cách mạng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ S.M.A.C dựa trên nền tảng công nghệ số và cảm biến (S), các ứng dụng di động và liên lạc máy-máy (M), phân tích dữ liệu lớn (A) và hạ tầng đám mây (C), IoT, sinh học, nano, in 3D[iv].

Song song với đó là tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho xã hội, sẵn sàng cho cuộc cách mạng số- cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là đưa CNTT vào giáo dục ở các cấp độ (căn bản, nâng cao, đại học và sau đại học), đưa “các kỹ năng số” vào các lĩnh vực, phương pháp nghiên cứu, kết hợp các mô hình về kỹ năng số (bao gồm cả trí tuệ nhân tạo AI, rô-bốt và internet vạn vật IoT,), kết nối giáo dục và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,… Tất cả để đưa nước ta trở thành quốc gia khởi nghiệp sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững.

 


[i] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, trang 77-79.

[ii] Ban kinh tế Trung ương. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và CNH, HĐH ở Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2016, trang 26.

[iii] Tổng cục Thống kế. Doanh nghiệp Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI (2000-2015). NXB Thống kê, Hà Nội, 2017.

[iv] Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 - Cơ hội, thách thức và giải pháp. Trang 34.

TS. Trần Văn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực