Để gói hỗ trợ COVID-19 thực sự hiệu quả

Thứ ba, 22/09/2020 10:25
(ĐCSVN) - Luôn có một độ chênh nhất định giữa chính sách với thực tiễn và điều quan trọng là cần rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn để thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ của Chính phủ với người dân và cộng đồng xã hội. Đơn cử như với gói hỗ trợ COVID-19 hiện nay của Chính phủ Việt Nam, đã kịp thời về mặt chính sách nhưng thực hiện trong thực tế còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ.

Gói hỗ trợ COVID-19 lần hai cần cụ thể và đi vào nhóm đối tượng doanh nghiệp

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho rằng, gần 8 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch cấp toàn cầu, hơn 950 nghìn người đã tử vong, ước tính khoảng 400 triệu người đã mất đi việc làm, hơn một nửa trong số đó là phụ nữ.

Gói cứu trợ cần trở thành cơ hội để thay đổi mô hình kinh tế theo hướng nhân văn và xây dựng một nền kinh tế vì con người

Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 (Ảnh: TTXVN) 

“COVID-19 là một trong những khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong thời đại của chúng ta, gây ra một  cú sốc kinh tế nặng nề nhất. Hàng triệu người lao động trên khắp thế giới và gia đình của họ đã mất đi thu nhập khi thị trường thu hẹp, các công ty phải đóng cửa và các hợp đồng cung ứng bị hủy. Có thể có đến nửa tỷ người bị đẩy vào vòng đói nghèo trước khi dịch bệnh qua đi. Tính đến cuối năm nay, số người chết vì nạn đói gây ra do COVID-19 có thể nhiều hơn số người chết vì căn bệnh này. Cuộc khủng hoảng toàn cầu này đang tác động nặng nề nhất lên các đối tượng dễ tổn thương nhất – từ những người công nhân trong nhà máy chế biến thịt ở Mỹ, Brazil và châu Âu đến những nông dân  quy mô nhỏ ở Tây Phi, công nhân may mặc ở Đông Nam Á và người lao động phi chính thức ở các  thành phố  Lagos, New Delhi và Sao Paolo. Rất nhiều trong số những người lao động này là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người di cư” – bà Babeth Ngọc Hân Lefur cho hay.

Theo đó, Oxfam đã đề xuất “Một kế hoạch giải cứu về kinh tế cho tất cả” và hai bài học kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng trước đây có thể giúp các chính phủ trong quá trình hành động của minh.

Ngược lại dòng lịch sử, người đứng đầu Oxfam tại Việt Nam cho rằng, thế giới cần học hỏi từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi các Chính phủ cứu trợ các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn thì những người dân đã phải trả giá bằng một thập kỉ thắt lưng buộc bụng về kinh tế, song song với việc bị cắt giảm các dịch vụ công như y tế và giáo dục. Do đó, gói cứu trợ để ứng phó với đại dịch không được mắc những sai lầm tương tự. Thay vào đó, gói cứu trợ cần được trao cho những người dễ bị tổn thương nhất – công nhân và các hộ kinh doanh nhỏ - những người có ít khả năng và tiềm lực chống chịu nhất. Cũng cần phải đảm bảo các gói cứu trợ chú trọng đến yếu tổ giới và cách thức tổ chức các gói cứu trợ phải nhằm thu hẹp bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Những gói cứu trợ này cần trở thành cơ hội để thay đổi mô hình kinh tế theo hướng nhân văn và xây dựng một nền kinh tế vì con người.

Trợ cấp tiền mặt và các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội phổ quát đóng một vai trò rất lớn trong việc giải quyết bất bình đẳng và bảo vệ những người yếu thế, cũng như rất quan trọng để đối phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Tất cả người lao động bị mất thu nhập phải được tiếp cận với một số hình thức thu nhập thay thế, có thể là trợ cấp lương, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau hoặc các loại trợ cấp khác. Hiện nay, trên thế giới chỉ một phần năm số người lao động bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các chính phủ cần đảm bảo tối đa người lao động được tham gia vào các chương trình an sinh xã hội hiện có bằng cách nới lỏng các tiêu chí, điều kiện, giúp người lao động tự do, người làm việc theo hợp đồng không giờ, người mới có việc làm, người lao động trẻ, người làm việc bán thời gian và người lao động làm các công việc bấp bênh khác. Nếu không có sẵn các chương trình an sinh xã hội, các chính phủ phải hỗ trợ thu nhập bằng trợ cấp tiền mặt và tìm cách mở rộng các chương trình đó cho tất cả người dân, bao gồm cả người di cư và người tị nạn.

Nỗ lực cứu trợ của Chính phủ đối với những người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần tập trung hơn vào những người cần được hỗ trợ nhất, nhanh chóng và hiệu quả hơn

Hơn cả dệt may, du lịch còn gần như khó có thể phục hồi vì COVID-19 (Ảnh: PV)

Cũng theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc kiểm soát đại dịch COVID-19, cứu chữa người mắc bệnh và giảm nhẹ thiệt hại về kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 42 / NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020 / QĐ-TTg ngày 24/4/2020 để triển khai các biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19  bằng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, những nỗ lực cứu trợ của Chính phủ đối với những người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần tập trung hơn vào những người cần được hỗ trợ nhất, với quá trình triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tính đến hết tháng 7/2020, đã giải ngân 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 12% tổng gói hỗ trợ, hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh. Tỷ lệ giải ngân này được đánh giá là thấp và chưa hiệu quả, mà nguyên nhân là do hầu hết người lao động chưa được nhận hỗ trợ. Chỉ có 402.466 người lao động nhận hỗ trợ với kinh phí là 403,425 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng số tiền đã giải ngân. Trong đó, chỉ có 355.227 người lao động phi chính thức nhận được số tiền hỗ trợ là 348.520 triệu đồng, chiếm khoảng 0,02% số người lao động phi chính thức trên cả nước.

Nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện hiệu quả chính sách này, Mạng lưới hành động vì lao động di cư - M.net- và Oxfam đang thu thập ý kiến phản hồi của người dân về việc triển khai gói hỗ trợ này. Các kết quả từ phản hồi của người thụ hưởng và từ các phân tích chính sách cho thấy các nguyên nhân dẫn đến việc thực thi chính sách thiếu hiệu quả gồm điều kiện để trở thành đối tượng thụ hưởng của gói cứu trợ là phức tạp và không khả thi, gây khó khăn và tạo ra rào cản cho người lao động khi tiếp cận nguồn tài trợ này.

Xuất phát từ mong muốn để gói hỗ trợ thực sự hiệu quả, người đứng đầu Oxfam tại Việt Nam đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần:

Thứ nhất, gộp tổng ngân sách dự kiến hỗ trợ cho người người lao động trong hai gói hỗ trợ (62 nghìn tỉ và 18 nghìn tỉ) vào trong một chính sách toàn diện, mở rộng và nhất quán, cân nhắc thấu đáo các bài học kinh nghiệm của gói hỗ trợ lần 1.

Thứ hai, đảm bảo những ai thuộc diện đối tượng nhưng chưa được nhận hỗ trợ từ gói thứ nhất sẽ được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời mở rộng và bao phủ tới tất cả các nhóm việc làm khác nhau cho nhóm lao động tự do và lao động chính thức ở nông thôn và thành thị.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ cần có thời gian dài hơn, để tiếp tục hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng trong làn sóng COVID mới. Hiện tại tăng thời gian hỗ trợ từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020 và số tháng hưởng hỗ trợ căn cứ vào số tháng thực tế bị mất hoặc giảm thu nhập.

Thứ tư, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký và nhận hỗ trợ và huy động các tổ chức xã hội hỗ trợ người dân làm thủ tục xin đăng ký hỗ trợ, bỏ yêu cầu “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú” với người lao động tự do.

 

HNV (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực