Để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường

Thứ bảy, 10/02/2018 21:10
(ĐCSVN) - Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Trung ương Năm đề ra là: “Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế tư nhân”.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: baohoabinh.com.vn)


Nghị quyết nhận định: “Vẫn còn một số vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân cần tiếp tục được cụ thể hóa, làm rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn”. Bởi vậy, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp nêu ở trên, bài viết này hướng vào việc làm sáng tỏ một số điều sau đây:

1. Phải khẳng định tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tư nhân ở một nước đang trong thời kỳ quá độ từ nền kinh tế tiểu nông lên chủ nghĩa xã hội.

Trong tác phẩm “Bàn về thuế lương thực” trọng tâm của chính sách kinh tế mới ở nước Nga, năm 1921, V.I. Lenin đã nhấn mạnh: Trong một nước tiểu nông, “Hễ có trao đổi, thì sự phát triển của nền kinh tế nhỏ là một sự phát triển tiểu tư sản, một sự phát triển tư bản chủ nghĩa, đó là một chân lý không thể chối cãi được, một chân lý sơ đẳng của kinh tế chính trị học, đã được kinh nghiệm hàng ngày và sự quan sát của ngay cả những người bình thường xác nhận”.

Chính sách đúng đắn nhất là tự do trao đổi với tiểu nông. “Hoặc giả tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của sự trao đổi tư nhân, không phải là quốc doanh, tức là của chủ nghĩa tư bản, một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ. Chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó. Dại dột, vì về phương diện kinh tế, chính sách ấy là không thể nào thực hiện được; tự sát, vì những đảng nào định thi hành một chính sách như thế, nhất định sẽ bị phá sản”

2. Nhìn lại quá trình biến đổi nhận thức của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết Trung ương Năm, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đánh giá: “Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn”.

Để hiểu rõ nhận định trên đây cần nhìn lại quá trình biến đổi nhận thức của Đảng ta về kinh tế tư nhân qua một số quan điểm trong những văn kiện của Đảng.

Thí dụ: Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng, họp từ ngày 5 đến 7 tháng 9 năm 1954 quy định: “Cần hết sức coi trọng công tác phục hồi công thương nghiệp làm cho các xí nghiệp công và tư hiện có được tiếp tục kinh doanh, làm cho thị trường hoạt động”.

“Công thương nghiệp tư nhân nhất luật được bảo hộ. Đối với công thương nghiệp của địa chủ cũng nhất loạt không đụng đến. Phàm là công thương nghiệp có lợi cho quốc kế dân sinh đều được khuyến khích phục hồi và phát triển”.

“Đối với công thương nghiệp của Pháp kiều, theo Hiệp nghị ở Giơ-ne ta không tịch thu cũng không bài trừ hoặc tiếp quản…. Chính sách có thể áp dụng được là: không xâm phạm đến tài quyền của Pháp kiều, nhưng bắt họ phải tuân theo pháp luật của chính phủ ta và phục hồi kinh doanh, không được đình chỉ kinh doanh”.

Nhờ chủ trương đúng đắn này mà đến cuối năm 1957 miền Bắc Việt Nam đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế đạt xấp xỉ mức năm 1939.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, năm 1986, mốc son mở đầu thời kỳ Đổi mới ở nước ta, tuy đã thấy khuyết điểm chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần còn tồn tại trong thời gian tương đối dài, nhưng vẫn chủ trương: "Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn kiến thức kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước. Quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tùy theo ngành nghề và mặt hàng". "Trong lĩnh vực lưu thông phải xóa bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân"

Đến Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, đã thừa nhận:"Kinh tế tư nhân, kể cả tư bản tư nhân, được phát triển theo pháp luật, không hạn chế về quy mô, về địa bàn hoạt động trong nước, được phép kinh doanh trong các lĩnh vực… Các cơ sở sản xuất tư nhân có quy mô và điều kiện nhất định được giao dịch xuất nhập khẩu và hợp tác sản xuất trực tiếp với bạn hàng ở nước ngoài".

Chủ trương đúng đắn nói trên đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, tạo điều kiện để nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, "Về đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Năm, khóa XII nêu quan điểm chủ đạo: "Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển". "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế". "Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm".

3. Phải phân biệt kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa nhỏ với kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, sản xuất hàng hóa lớn.

C. Mác đã nhận xét: "Khoa kinh tế chính trị lẫn lộn về nguyên tắc hai loại chế độ tư hữu rất khác nhau, trong đó một loại dựa trên lao động của bản thân người sản xuất, còn một loại thì dựa trên sự bóc lột lao động của người khác. Nó quên rằng loại thứ hai này không những là cái đối lập trực tiếp với loại thứ nhất, mà còn chỉ mọc trên nấm mồ của loại thứ nhất mà thôi" , C.Mác đã so sánh sản xuất hàng hóa nhỏ vận động theo công thức H-T-H, chủ yếu vẫn hướng vào giá trị sử dụng với sản xuất hàng hóa lớn tư bản chủ nghĩa, vận động theo công thức T-H-T', nhắm thu lợi nhuận. Chính sự phát triển sản xuất hàng hóa nhỏ đến một trình độ nhất định lại tạo ra những tiền đề vật chất để thủ tiêu bản thân nó và ra đời sản xuất hàng hóa lớn.

Hơn nữa, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Năm, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh "Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là yêu cầu khách quan…" mà sản xuất hàng hóa nhỏ tuy cũng mua, bán hàng hóa trên thị trường, nhưng chưa phải kinh tế thị trường, chỉ có sản xuất hàng hóa lớn vận hành theo công thức T-H-T' mới là kinh tế thị trường.

Khi nghiên cứu tuần hoàn của tư bản công nghiệp, C. Mác nhận định: "Một trong những đặc điểm rõ rệt nhất của quá trình tuần hoàn của tư bản công nghiệp, và do đó cũng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nữa là một mặt, những yếu tố cấu thành tư bản sản xuất đều phải do thị trường hàng hóa cung cấp, và phải không ngừng được đổi mới nhờ thị trường hàng hóa, tức là không ngừng phải được mua vào với tư cách là hàng hóa, và mặt khác, sản phẩm của quá trình lao động đi ra khỏi quá trình ấy với tư cách là hàng hóa, và phải không ngừng lại được đem bán ra với tư cách là hàng hóa. Ví dụ, chúng ta hãy thử so sánh một người Phéc-mi-ê cận đại xứ Hạ Scốt-len với một người tiểu nông kiểu cũ trên đại lục châu Âu. Người Phéc-mi-ê bán toàn bộ sản phẩm của mình, và vì vậy trên thị trường phải hoàn lại tất cả các yếu tố sản xuất của anh ta, cho đến cả hạt giống nữa; còn người tiểu nông thì tiêu dùng trực tiếp đại bộ phận sản phẩm của mình, anh ta mua và bán càng ít càng tốt, và trong chừng mực có thể, anh ta còn tự chế tạo lấy công cụ lao động, quần áo v.v…"

Như vậy, người tiểu nông đã có sản xuất và tiêu thụ một bộ phận hàng hóa nhưng chưa phải là kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa của người Phéc-mi-ê mới là kinh tế thị trường.

Kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa nhỏ sẽ phát triển theo 2 xu hướng. Một là dưới tác động của quy luật giá trị sẽ phân hóa những người sản xuất thành hai cực: Một số người có ưu thế trong cạnh tranh, thu được lợi nhuận siêu ngạch, ngày càng giàu lên, và trở thành những nhà tư bản. Đa số những người sản xuất hàng hóa nhỏ khác sẽ bị phá sản, không còn tư liệu sản xuất, mà chỉ còn làm chủ sở hữu sức lao động của bản thân, buộc phải bán sức lao động ấy để kiếm sống. Hai là, những người sản xuất hàng hóa nhỏ liên kết với nhau dưới nhiều hình thức hợp tác thích hợp để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhờ đó có thể tồn tại và phát triển.

Có người lầm tưởng rằng phải duy trì sản xuất hàng hóa nhỏ (tiểu nông, thợ thủ công và người làm dịch vụ cá thể), vì trong kinh tế thị trường hiện đại đang diễn ra xu hướng phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đó không phải là những đơn vị sản xuất nhỏ lạc hậu, manh mún, tiền tư bản chủ nghĩa, như những củ khoai tây trong một bì khoai tây, mà là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong hệ thống phân công xã hội hiện đại của sản xuất hàng hóa lớn, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của từng ngành, thậm chí trên toàn cầu. Thí dụ: ở Nhật, một cuộc điều tra của Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản về quan hệ giữa hãng chế tạo ô tô lớn nhất với các hãng nhận gia công của nó cho thấy: 168 hãng nhận gia công cấp một là những doanh nghiệp lớn; 4.700 hãng nhận gia công cấp hai là những doanh nghiệp vừa và nhỏ; 31.600 hãng nhận gia công cấp ba là những doanh nghiệp nhỏ hơn.

Không phải sản xuất hàng hóa nhỏ sẽ hoàn toàn biến mất trong xã hội tư sản hiện đại, vì có những lĩnh vực mà sản xuất nhỏ có thể cạnh tranh được với sản xuất hàng hóa lớn, nhưng nhìn chung, như nhận xét của Cauxky về tiểu nông, rằng tiểu nông tồn tại được bên cạnh sản xuất hàng hóa lớn không phải là nhờ vào một năng suất cao hơn mà là nhờ vào mức tiêu dùng thấp hơn. Cauxky đã dẫn ra những tài liệu để chứng minh một sự lao động quá độ và một mức tiêu dùng không đầy đủ trong nền sản xuất nhỏ.

Bởi vậy nếu cứ duy trì sản xuất hàng hóa nhỏ phân tán, manh mún thì không thể tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, không thể thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, không thể cải thiện được đời sống của người lao động.

Khi nền kinh tế còn mang nặng tính chất tự cung tự cấp, thì kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa nhỏ phát triển cũng là một động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội. Nhưng khi tiến hành công nghiệp hóa thì sản xuất nhỏ lại thành trở lực. Trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác đã chỉ rõ: Sự phát triển của công nghiệp đã xóa bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xóa bỏ sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông.

Trong xã hội tư sản, chế độ tư hữu đã bị xóa bỏ đối với chín phần mười số thành viên của xã hội đó rồi. Chính vì nó không tồn tại đối với số chín phần mười ấy, nên mới tồn tại chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa.

Bởi vậy kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa nhỏ và kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa lớn đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp để tạo môi trường pháp lý và môi trường kinh tế thuận lợi cho chúng phát triển. Phải có chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa nhỏ chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn theo hai xu hướng nói trên. Mặt khác, phải chú ý tính đặc thù của loại hình kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa để có chính sách riêng. Kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa có công lao lớn trong thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển cao và xã hội hóa sản xuất, nhưng mục tiêu của nó là tối đa hóa lợi nhuận. Nên giữa chủ và thợ có mâu thuẫn về lợi ích kinh tế trong việc phân phối giá trị mới được tạo ra, thành tiền công và lợi nhuận. Tiền công tăng thì lợi nhuận giảm và ngược lại. Bởi vậy, một mặt, cần có chính sách sao cho nhà tư bản thu được lợi nhuận thích đáng để họ hăng hái đầu tư. Mặt khác, lại phải điều hòa sự phân phối kết quả sản xuất để bảo đảm "chủ và thợ cùng có lợi", "công tư lưỡng lợi", ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, như trốn thuế, nợ bảo hiểm xã hội v.v…

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI xuất phát từ thực tế nước ta và vận dụng cách phân định thành phần kinh tế của V.I. Lenin, đã tách kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể) và kinh tế tư bản tư nhân thành hai thành phần riêng biệt. Nhưng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII lại nhập hai loại kinh tế tư nhân nói trên thành một thành phần kinh tế tư nhân. Vậy cần kiểm tra lại điểm này.

4. Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa đáp ứng được vai trò là một động lực của nền kinh tế vì còn nhiều điểm yếu kém.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Nhưng tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, sức cạnh tranh thấp, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản. Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá nhiều. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài. Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

5. Phương pháp quản lý của nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế, bởi vậy cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhà nước phải xóa mọi rào cản, định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã từng bước được hoàn thiện, nhưng còn chưa đồng bộ. Nhiều quy định của pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm.

Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, thông thoáng, thuận lợi hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh. Nhưng môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; chi phí trung gian không chính thức còn nhiều. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến. Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của kinh tế tư nhân còn thấp.

Bởi vậy, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển kết cấu hạ tầng; mở rộng khả năng của kinh tế tư nhân tham gia các loại thị trường, tiếp cận các nguồn lực; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động…

 

GS.TS Đỗ Thế Tùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực