Doanh nhân Việt Nam cùng nhau kiến tạo đất nước

Thứ bảy, 27/05/2017 19:14
(ĐCSVN) - Đó là chủ đề Chương trình giao lưu Hội tụ Doanh nhân “Sống sao để người nhớ” do Tạp chí Thương Gia, CLB Thương Gia và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tổ chức ngày 26/5 tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc phát biểu tại buổi giao lưu (Ảnh:Hồ Hường)
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Chu Thị Tiến – Chủ tịch CLB Thương Gia, Chủ tịch Công ty CP Tiến Hà chia sẻ, mạng lưới khổng lồ gồm những người chung ngành và thậm chí trái ngành quen biết nhau sẽ đưa đến cho chúng ta nhiều cơ hội và thử thách công việc mới. Cũng theo bà Tiến, với sứ mệnh kết nối 5C: chung sức – chân thành – chia sẻ - cam kết hành động để cùng nhau kiến tạo đất nước, Ban Tổ chức mong muốn chương trình là dịp hội tụ được doanh nhân Việt toàn cầu để kiến tạo nhiều tài sản và di sản cho đất nước Việt Nam. Ban tổ chức cũng mong muốn, thông qua hội thảo lần này, các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài sớm kết nối với nhau trong thời gian tới.


“Theo thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản chiếm trên 90%; Đài Loan cũng tương tự như vậy, thế nhưng họ vẫn phát triển tốt. Vì sao? Đơn giản là vì họ có những hiệp hội doanh nghiệp hoạt động rất tốt. Một doanh nghiệp có thể không đủ nguồn lực để thuê luật sư tư vấn về những hiệp định, quy định khi hội nhập, tìm hiểu về một thị trường mới … nhưng nhiều doanh nghiệp trong cùng hiệp hội có thể chung tay nghiên cứu, cùng làm marketing, nghiên cứu chuyển giao công nghệ; ngoài ra hiệp hội còn có thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn...”

Bà Tiến khẳng định: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cũng chiếm hơn 90%, vậy chúng ta phải làm thế nào để là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không phải...dạng vừa đâu”? Điều quan trọng nhất theo tôi chúng ta phải hiệp lực lại, đi cùng nhau trong sân chơi hội nhập như câu nói của Warren Buffett: "Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau.

Bà Tiến cũng cho rằng, trong sân chơi hội nhập này, không những các doanh nghiệp trong nước phải hiệp lực lại với nhau mà chúng ta còn phải liên kết chặt chẽ với các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Họ chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của ta như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ...

Tại buổi gặp gỡ, Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đặt câu hỏi: làm sao để kiến tạo đất nước? Câu hỏi này phụ thuộc vào doanh nghiệp doanh nhân. Tuy nhiên trong thời gian rất ngắn nữa thôi Nghị quyết 35 được ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc kiến tạo đất nước.

Chúng ta đang sống trong xu thế hội nhập, trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh này, ông Vinh cho rằng kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của Chính phủ, khách hàng và các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan khác.

"Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát trên thế giới và tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, những doanh nghiệp phát triển bền vững là các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn các doanh nghiệp chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường”, ông Vinh cho biết.

Ông Vinh cũng thông tin thêm: “Mỗi một năm mở ra 12 nghìn tỷ đô la cho biến đổi khí hậu, vậy doanh nghiệp phải làm thể nào để phát triển bền vững? Ví dụ như khi sản xuất chai nước, sau đó chai nước đó được tái sử dụng. Tuy nhiên vấn đề không phải là tái sử dụng mà là vấn đề phát triển bền vững, đem lại lợi luận cao. Vậy chúng ta phải hội tụ như thế nào để có thể cùng nhau phát triển, nâng cao vai trò kiến tạo của doanh nghiệp trong xây dựng đất nước. Hy vọng trong thời gian tới hàng hoạt chương trình hành động mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện trong thời gian tới sẽ mở ra hàng hoạt cơ hội cho các doanh nghiệp.”

Cũng tại sự kiện, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km² (theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960 khi chưa san lấp lấn biển. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

“Với sự kiện ngày hôm nay, tôi nhận thấy đây là chương trình rất đặc biệt và có lẽ là sự kiện lần đầu tiên tại Phú Quốc. Không nhà đầu tư nào lại không muốn có nhiều chính sách, cơ chế đặc biệt và điều này thì cũng không năm ngoại lệ đối với Phú Quốc. Phú Quốc đang có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Mong CLB Thương Gia quan tâm nhiều hơn nữa tới Phú Quốc thông qua việc đầu tư tại hòn đảo xinh đẹp này” – ông Hưng kiến nghị.

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực