FTA Singapore - EU và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ sáu, 14/07/2017 16:22
(ĐCSVN) - Singapore đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn lớn nhất kể từ khi giành độc lập (1965). Do vậy, Singapore đang tìm cách duy trì vị thế của mình thông qua việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, FTA Singapore – EU được đặc biệt coi trọng, tập trung phát triển bền vững nên được gọi là "FTA xanh” đầu tiên.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Singapore - EU

Biểu tượng của đảo quốc sư tử (Ảnh: T.L)

Singapore là quốc gia đi đầu trong liên kết kinh tế khu vực tính về số lượng và phạm vi địa lý của các FTA đã được ký kết. Kể từ khi tham gia FTA đầu tiên là Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1993,  Singapore đã có FTA với hầu hết các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là FTA Singapore - EU là một trong những “FTA thế hệ mới”  của EU.  Là quốc gia đầu tiên  trong ASEAN tham gia ký kết FTA với EU (2014), FTA Singapore -EU hy vọng sẽ mở cửa cho FTA của EU với các nước khác trong khu vực ASEAN. Hiệp định FTA Singapore-EU là bước đầu tiên hướng đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai khu vực hội nhập lớn trên thế giới (ASEAN và EU) với tổng dân số khoảng 1,1  tỷ người.

Singapore cũng là đối tác kinh tế quan trọng nhất của EU. Singapore đóng góp 1/4 giá trị trao đổi hàng hóa giữa EU và ASEAN (46 tỷ euro) và 1/2 giá trị thương mại dịch vụ giữa hai khu vực (28,8 tỷ euro). Singapore là nơi mà nhiều nhà đầu tư EU lựa chọn để đầu tư, chiếm 60% tổng vốn đầu tư của EU vào ASEAN. EU là nguồn FDI lớn nhất vào “đảo quốc Sư tử”, đạt 118,7 tỷ euro  (2012). EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhà đầu tư chính của Singapore.  Năm 2013, EU chiếm 10% thương mại toàn cầu của Singapore và là đối tác thương mại lớn thứ ba của đảo quốc Sư tử. Mặc dù dân số của Singapore chỉ chiếm  khoảng 5 triệu người trên tổng số 630 triệu dân của các nước ASEAN, song quốc đảo này chiếm hơn 60% tổng đầu tư và 1/3 kim ngạch trao đổi giữa ASEAN và EU. Hiện có hơn 9.000 công ty châu Âu đặt chi nhánh đại diện tại đảo quốc Singapore. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa EU-Singapore đã tăng khoảng 40% trong thời gian từ năm 2009-2011, trong khi thương mại dịch vụ cũng tăng 41% . Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai bên đạt 52 tỷ euro (2012).

Trao đổi thương mại giữa Singapore và EU đạt 1 tỷ euro giá trị hàng hóa mỗi tuần. Trong EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với thương mại song phương lên tới 20 tỷ SGD (2014).  Hiện có khoảng 1.400 công ty của Đức đang có mặt tại Singapore, trải rộng trên một số lĩnh vực quan trọng như: Hóa chất, điện tử, kỹ thuật và hậu cần.  Hiệp định FTA Singapore-EU được ký kết sẽ tạo cơ sở cho quan hệ kinh tế tiếp tục phát triển. Theo thỏa thuận, trong vòng 5 năm (2015-2020), EU sẽ thực thi thuế suất 0% với gần như tất cả sản phẩm từ Singapore, Singapore cũng cam kết loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Sau khi FTA Singapore – EU được ký kết, xuất khẩu của EU sang Singapore  tăng thêm khoảng 1,4 tỷ euro trong 10 năm (2015-2025). Xuất khẩu của Singapore sang EU tăng thêm khoảng 3,5 tỷ euro, bao gồm cả xuất khẩu của nhiều công ty châu Âu được thành lập tại Singapore. Do sự khác biệt lớn về quy mô của hai nền kinh tế, GDP thực tế của EU sẽ tăng thêm khoảng 550 tỷ euro trong khi mức tăng của Singapore là 2,7 tỷ euro.

Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là hai khu vực được đánh giá là thành công trong hội nhập và phát triển, đã luôn hợp tác chặt chẽ để tăng cường quan hệ đối tác. Hiệp định FTA Singapore – EU sẽ mở cánh cửa vào khu vực ASEAN,  khu vực mà hiện EU đang theo đuổi đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên khác của ASEAN (Malaysia, Việt Nam và Thái Lan). Trong việc mở rộng quan hệ với các nước có trình độ phát triển thấp hơn, các nền kinh tế đang phát triển năng động trong ASEAN sẽ trở thành thị trường chính cho các nhà xuất khẩu của EU và hiệp định FTA Singapore- EU đã tận dụng được tiềm năng phát triển của khu vực ASEAN.  Hiệp định EUSFTA chính là cơ sở  cho việc đàm phán FTA với các quốc gia thành viên  khác trong ASEAN.

Về tổng thể, FTA Singapore-EU dự kiến loại bỏ gần như tất cả các loại thuế nhập khẩu trong vòng tối đa 5 năm kể từ khi có hiệu lực và tự do hóa đáng kể thương mại dịch vụ. Theo đó hai bên đã có cam kết về các ngành dịch vụ chủ chốt bao gồm: viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ máy tính và các dịch vụ môi trường. Đồng thời, FTA  Singapore-EU tạo lập khuôn khổ cho quá trình loại bỏ các biện pháp phi thuế quan, tức là các rào cản thương mại từ các biện pháp ngoài thuế quan.

Điều đáng chú ý là FTA Singapore - EU đặc biệt coi trọng phát triển bền vững nên  được gọi là "FTA xanh” đầu tiên. Phát triển bền vững được thể hiện xuyên suốt FTA Singapore – EU. Hiệp định đã đề cập đến thương mại và phát triển bền vững và xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan áp dụng đối với thương mại và đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo. FTA Singapore -EU nằm trong chiến lược rộng lớn hơn mà EU đang theo đuổi, đó là ký kết FTA đầu tiên với một nước ASEAN riêng lẻ để làm “bàn đạp" cho FTA EU-ASEAN.

Ký kết hiệp định FTA của Singapore giúp đảo quốc Sư tử có được nhiều kinh nghiệm

Mở rộng tham gia FTA giúp Singapore bù đắp sự bất lợi của quốc gia quá nhỏ về diện tích với dân số ít. Singapore - quốc gia giàu có với diện tích nhỏ, khoảng 719.1 km² (chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc  của Việt Nam với diện tích là 567 km²). Tuy nhiên, Singapore lại là một trong những quốc gia đã ký rất nhiều bản thỏa thuận FTA. Với vị trí chiến lược trên đường giao thương hàng hải quốc tế, Singapore đang tận dụng các cơ hội mở cửa thị trường tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

Theo bà Annie Koh, Giáo sư ngành tài chính và Giám đốc học thuật Viện Giao thương Quốc tế thuộc Đại học Quản lý Singapore (SMU - Singapore Management University),  do có diện tích quá nhỏ nên Singapore phải chơi với tất cả mọi quốc gia, điều này sẽ giúp Singapore vượt qua được tầm vóc của mình.  Singapore cũng là một trong bốn quốc gia đầu tiên   châm ngòi cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước thành viên.

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được xem là công cụ để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và kích thích sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Đồng thời, FTA làm giảm bớt những rào cản thương mại cho phép ngành công nghiệp khai thác những thị trường mới, mở rộng phạm vi xuất khẩu và làm tăng nền tảng người tiêu dùng. Bằng cách giảm bớt hoặc xóa bỏ các hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan, FTA góp phần làm tăng tính chuyên môn hóa của lực lượng lao động nhờ xu hướng tập trung sản xuất những mặt hàng và cung cấp những dịch vụ có lợi thế cạnh tranh. Trên lý thuyết, FTA làm lợi cho người tiêu dùng, vì cạnh tranh tăng đồng nghĩa với các sản phẩm bày bán có giá thấp hơn.

Trong bối cảnh chiến tranh, bạo lực và dịch bệnh tràn lan như hiện nay thì thỏa thuận FTA đem lại cho Singapore nhiều lợi ích và có ý nghĩa rất nhiều, đó là khả năng tiếp cận và nắm bắt các nền kinh tế khu vực tốt hơn trong cuộc chạy đua phát triển kinh tế thế giới.

FTA giúp Singapore ngăn chặn sự suy giảm hoạt động thương mại. Sự suy giảm xuất khẩu của Singapore những năm 2000 – 2001 khiến Singapore phải coi FTA là bàn đạp giải thoát cho hàng xuất khẩu của Singapore đang bị tồn đọng nhiều. Hiệp định FTA sẽ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Singapore tiếp cận nhanh chóng và toàn diện hơn với các thị trường nước ngoài. Nhà đầu tư Singapore cũng sẽ dễ dàng khai thác việc gỡ bỏ những rào cản về sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ y tế, viễn thông, giao nhận, năng lượng và môi trường. FTA  cho phép các công ty Singapore hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng và tư vấn tham gia đấu thầu các dự án mua sắm của chính phủ mà trước đây chỉ là sân nhà của các doanh nghiệp địa phương.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Singapore-EU  giúp Singapore có “sân hoạt động” kinh doanh thương  mại  rộng rãi hơn.  Hiệp định FTA Singapore –EU giúp xuất khẩu của EU sang Singapore có thể tăng thêm khoảng 1,4 tỷ euro  trong 10 năm (2015-2025). Xuất khẩu của Singapore sang EU có thể tăng thêm khoảng 3,5 tỷ euro, bao gồm cả xuất khẩu của nhiều công ty châu Âu được thành lập tại Singapore. Các nhà xuất khẩu Singapore thuộc các lĩnh vực như điện tử, dược phẩm, hóa chất hay các sản phẩm thực phẩm chế biến sẽ được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế quan của EU, trong khi các sản phẩm xuất khẩu của EU sẽ ngay lập tức được miễn thuế khi đi vào thị trường Singapore. Mặt khác, doanh nghiệp hai bên cũng sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường dịch vụ của nhau trong nhiều lĩnh vực.

Nhờ có các FTA mà Singapore sẽ không còn những rào cản về quy chế hay thuế má và tăng cường các dòng chu chuyển thương mại và đầu tư. Tham gia Hiệp định thương mại tự do buộc các nước phải công khai và cắt giảm các chi phí “ẩn” trong thủ tục, quy chế và luật lệ về hải quan có thể cản trở hoạt động kinh doanh, không được tham nhũng.

Ký kết các FTA giúp Singapore nâng cao được vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Mục tiêu chính của Singapore khi ký kết FTA là mở rộng thị trường mậu dịch, thắt chặt tình đoàn kết với các quốc gia và nâng cao vị thế, có tiếng nói hơn trên trường quốc tế.

Là một trong những quốc gia tham gia đầu tiên vào Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN)  và ký kết FTA với ASEAN (AFTA). Singapore  muốn vượt khung Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) - vốn quá trì trệ và không phát huy được vai trò tích cực của chủ nghĩa khu vực, để vươn lên giành lấy lợi thế cạnh tranh trở thành trung tâm tài chính và công nghệ cao trong vùng. Ký kết FTA với Trung Quốc giúp Singapore nâng cao vị thế tài chính trong khu vực. 

Ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA giúp Singapore nâng cao vị thế chính trị. FTA không chỉ là công cụ mở ra đối thoại giữa các quốc gia, mà còn tạo diễn đàn để các quốc gia thành viên thảo luận về những vấn đề cấp bách và tìm ra những giải pháp thông qua sự hợp tác tích cực, cải thiện quan hệ song phương. Hầu hết các FTA đều mang những động cơ chính trị hoặc chiến lược. Ổn định chính trị là rất quan trọng để duy trì đường lối và nhận thức rõ ràng về lợi ích quốc gia.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực