Gia tăng giá trị xuất khẩu rau quả Việt

Thứ năm, 08/10/2015 15:46

(ĐCSVN) – Hiện, bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với hàng loạt các khuôn khổ hội nhập mới đang tạo ra các cơ hội cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển bền vững ở các thị trường mới, trong đó có rau quả, trái cây Việt.

Tuy nhiên, rau quả, trái cây lại là các mặt hàng nhìn ở nhiều góc độ rất cần quan tâm để đảm bảo được chất lượng, yêu cầu trong sản xuất, canh tác nông nghiệp cũng như trong thu hoạch, chế biến và xuất khẩu. Bởi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đời sống của người dân, đồng thời, cũng là mặt hàng được quản lý chặt chẽ của các quốc gia đối tác mà Việt Nam xuất khẩu.

Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy và xúc tiến các hoạt động tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với các mặt hàng rau quả, trái cây theo quy hoạch và theo định hướng, yêu cầu của thị trường để có sự tổ chức tốt hơn trong các khâu tiêu thụ, phân phối và xuất khẩu được đặt ra càng cấp thiết hơn trong giai đoạn hiện nay.

Chưa phát huy được tiềm năng của rau quả, trái cây Việt

 

 Thanh long là một trong những trái cây Việt rất được khu vực và thế giới ưa thích (Ảnh: HNV)


Theo các chuyên gia nông nghiệp, rau quả mới chính là mặt hàng mà ngành nông nghiệp trong nước nên tập trung đầu tư phát triển cho xuất khẩu, bởi giá trị thương mại của thị trường này trên toàn cầu lên đến 100 tỉ USD mỗi năm.

Báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ rau quả của Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có khoảng 845 nghìn ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn. Trong đó, Đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long là hai vùng sản xuất rau lớn nhất nước. Đối với cây ăn quả, hiện cả nước có khoảng 700 nghìn ha cây ăn quả, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonexia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Cũng theo Hiệp hội Rau quả VN, ngành rau quả xuất khẩu của VN đã có sự tăng trưởng mạnh trong vòng năm năm trở lại đây. Nếu như năm 2010, giá trị xuất khẩu của ngành này mới chỉ đạt 460 triệu USD, chỉ trong 9 tháng 2015, con số này đã lên tới gần 1,3 tỉ USD và dự báo cả năm đạt 2 tỉ USD.

Mặc dù trong thời gian qua, mặt hàng rau quả đã được Chính phủ và các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tuy nhiên, có những tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, về sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn Global Gap, Viet Gap chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước đạt khoảng 8 đến 8,5% tổng diện tích trồng rau.

Khó khăn cơ bản của rau quả Việt Nam hiện nay là do chất lượng hàng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện, phương thức sản xuất và kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động. Trong khi đó các nước nhập khẩu yêu cầu về chất lượng hàng hoá cao hơn, và sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau quả khác ngày càng gay gắt trên cả phương diện chất lượng hàng hoá, giá cả và phương thức kinh doanh.

Có thể thấy, dù nhóm hàng nông lâm thuỷ sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng đã được Chính phủ và các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, những tồn tại xung quanh ngành rau quả vẫn chưa được giải quyết cụ thể. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu là qua thương lái, công ty tư nhân thu gom; hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại rau quả ngày càng cao. Công tác thông tin và kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan, địa phương và doanh nghiệp chưa cao.

Cần triển khai kịp thời nhiều giải pháp, trong đó chú trọng gia tăng giá trị cho rau quả, trái cây xuất khẩu

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để phát triển bền vững phải đi từ sản xuất, gieo trồng đến tiêu thụ. Đồng thời, muốn mở rộng thị trường thì phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giảm chi phí vận tải lưu thông để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời phải xác định được những thị trường trọng điểm cho sản phẩm. Đối với những thị trường lớn như Trung Quốc thì cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải phối hợp để có những đánh giá nhu cầu thị trường cả ở ngắn hạn và dài hạn, từ đó xác định sản lượng tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa rớt giá xảy ra thời gian vừa qua.

Không thể phủ nhận, rau quả, trái cây là một trong những mặt hàng còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên, rất cần tới vai trò chủ động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như vai trò của địa phương trong việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu.

Về phía Bộ Công Thương, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị trực thuộc Bộ; triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả để phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững. Trong đó, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu thị trường, đưa ra những quy hoạch trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, tạo khung khổ pháp lý để hỗ trợ, đề xuất với Chính phủ các cơ chế hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, cũng như các cơ chế đặc thù giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi nhất cho công tác xuất khẩu, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp cũng như người dân tham gia trong lĩnh vực rau quả và trái cây.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật, trái cây tươi là mặt hàng cao cấp nhất của nông sản và Việt Nam đang còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nhưng để phát triển thị trường xuất khẩu bền vững, Nhà nước cần có chiến lược điều hành xuất khẩu hợp lý và hỗ trợ đầu tư cho kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm các đối tác để ký hợp đồng xuất khẩu lâu dài. Trong khi đó, theo GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc), xuất khẩu rau quả của Việt Nam lẽ ra còn tăng cao hơn nữa nếu như ngành nông nghiệp Việt Nam không bị lệch trong định hướng phát triển, đó là tập trung quá nhiều vào cây lúa dù giá trị thị trường của mặt hàng này rất thấp, trong khi thị trường rau quả của thế giới lên đến hàng trăm tỉ USD. “Nếu có chiến lược đầu tư bài bản nhằm nâng cao công nghệ và chất lượng, ngành rau quả VN sẽ là một trong những ngành xuất khẩu đem lại nhiều tỉ USD cho VN” - GS Vọng khẳng định.

Nhiều chuyên gia trong ngành tin tưởng, hội nhập đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm nhiều thị trường mới – những thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản Việt nói chung và rau quả, trái cây nói riêng nhưng với điều kiện phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và giá thành hợp lý để cạnh tranh.

Đã đến lúc chúng ta phải chủ động lựa chọn, dễ hay khó hoàn toàn phụ thuộc vào mình?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực