Giải quyết các thách thức đối với nguồn lực lao động trong tương lai

Thứ ba, 04/07/2017 18:20
(ĐCSVN) – Trong các ngày từ 3-9/7, chương trình InnovationXchange của chính phủ Úc kết hợp cùng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Quỹ Atlassian đồng chủ trì hội thảo tại TPHCM và Hà Nội với sự tham gia của các thành viên mang tư tưởng sáng tạo đổi mới nhất để cùng đưa ra những ý tưởng và giải pháp nhằm hỗ trợ cho lực lượng lao động trong tương lai.

Tổng lãnh sự Úc bà Karen Lanyon khai mạc sự kiện SOLVE Challenge tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: BTC)

Các sự kiện này là một phần của chương trình “Thanh niên, kỹ năng và lực lượng lao động tương lai”, một cuộc thi có quy mô toàn cầu nhằm tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Làm cách nào để thế hệ trẻ yếu thế có thể học hỏi được những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị tham gia vào lực lượng lao động và phát triển khả năng của mình trong thế kỷ 21?”

Sự khởi đầu của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng những tiến bộ nhanh chóng trong đổi mới về công nghệ– từ điện thoại thông minh và công nghệ big data, đến trí thông minh nhân tạo và công nghệ machine learning. Trong khi công nghệ mới có thể tạo ra việc làm và gia tăng năng suất lao động, nó cũng có thể tạo ra nguồn lao động thay thế và làm gia tăng sự cách biệt về kỹ năng. Thế hệ trẻ ngày nay đang sống trong thế giới có tới gần phân nửa lượng việc làm trên toàn cầu đang có nguy cơ trở nên lạc hậu trong những thập kỷ tới do sự tự động hóa và tiến bộ công nghệ.

 Bà Karen Lanyon, Tổng Lãnh sự Úc cho biết, vấn đề không phải chỉ ở số lượng công việc đang giảm dần, mà theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy cứ 4 trong 5 trẻ em được sinh ra hôm nay thì trong tương lai sẽ làm những công việc mà hiện nay chưa hề có. Chúng ta cần đào tạo các kỹ năng linh hoạt và có thể chuyển đổi để chuẩn bị cho tương lai của thế hệ tiếp theo.



Các nhà kiến tạo trẻ cùng thảo luận các giải pháp sử dụng ưu thế của đám đông (crowd-solving) cho cuộc thi “Thanh Niên, Kỹ Năng và Lực lượng lao động Tương lai” (Ảnh: BTC)

Chính phủ Úc và Quỹ Atlassian mỗi bên đã đóng góp 1,4 triệu đô la Úc (1,1 triệu đô la Mỹ) để kêu gọi các nguồn lực từ cộng đồng nhằm đầu tư vào kỹ năng chuyên môn và các ý tưởng sáng tạo trong khu vực. Đóng góp từ phía Việt Nam bao gồm xây dựng công nghệ giúp kết nối các gia đình bị ly tán thông qua các trò chơi được lồng ghép những giá trị chung, và gia tăng các cơ hội đào tạo trong các lĩnh vực ít bị đe dọa bởi tự động hóa như các công việc về chăm sóc.

“Chúng tôi đặt quan điểm của nhóm thanh niên yếu thế và dễ bị tổn thương làm tâm điểm trong các cuộc thảo luận này và thật tuyệt vời khi được thấy những ý tưởng sáng tạo đến từ những tài năng trẻ của Việt Nam. Chúng tôi rất hy vọng những nhà kiến tạo này sẽ tiếp tục được vào vòng trong và có cơ hội trình bày những ý tưởng của mình tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tháng 9 tới đây” - Bà Tổng Lãnh sự Úc Karen Lanyon cho biết thêm.

Cuộc thi này là một ví dụ cho phương thức mới mà chương trình viện trợ phát triển của Úc tìm kiếm các đối tác mới và những phương cách tiếp cận mới, hướng đến cung cấp viện trợ một cách hiệu quả và mang tính bền vững hơn để hỗ trợ cho phát triển kinh tế bền vững trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực