Hoàn thiện quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp Nhà nước

Thứ sáu, 15/06/2018 15:14
(ĐCSVN) – WB mong muốn được đồng hành cùng SCIC và các đối tác khác trong việc đảm bảo việc quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn các tài sản nhà nước, hướng tới việc ban hành các quy định minh bạch đối với các tài sản này khi nhà nước quyết định giảm bớt tỷ lệ nắm giữ.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC (Ảnh:H.T)

Ngày 14/6, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp Nhà nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, qua hơn 10 năm hoạt động trong số gần 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp, và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp) với giá vốn là 8.332 tỷ đồng, thu về 36.989 tỷ đồng (bao gồm bán 8,73% cổ phần tại Vinamilk), gấp hơn 4,4 lần giá vốn.

Ông Thành khẳng định, từ khi triển khai cho đến nay, công tác bán vốn tại doanh nghiệp của SCIC từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp hơn khi lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới nhà đầu tư tốt, thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn. 

Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, bài học thành công là SCIC đã cố gắng lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp theo sát diễn biến thị trường và nắm bắt thực trạng của doanh nghiệp bảo đảm bán vốn công khai minh bạch có cạnh tranh. Một khi có cạnh tranh về điều kiện bán vốn thì hiệu quả bán vốn tốt hơn rất nhiều.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng vẫn có những lần không thành công. Nguyên nhân là: tỷ sở hữu của SCIC tại doanh nghiệp quá nhỏ hoặc có cổ đông khác nắm giữ cổ phần chi phối (hơn 51%) nên các nhà đầu tư khác không muốn vào. Nguyên nhân khác có thể do doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài không có lợi thế đất đai. Một nguyên nhân nữa là giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư, hay phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc; thời điểm bán vốn không phù hợp...

Ông Lê Song Lai khẳng định quan điểm của SCIC là : vốn nhà nước phải được bán công khai và phải đạt được 2 mục tiêu, đó là, tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Về lý thuyết 2 mục tiêu này là đúng nhưng thực tế lại khá khó cùng đạt.

“Vì khi chọn bán vốn với giá cao nhất mà khó đạt được mục tiêu tìm được nhà đầu tư chiến lược có năng lực, có kinh nghiệm sẽ đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn”, ông Lê Song Lai chia sẻ.

Đại diện đối tác hỗ trợ tư vấn WB, ông Sebastian Eckardt, đại chuyên gia kinh tế trưởng của WB đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc luôn coi cải cách đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là ưu tiên.

Việc đổi mới DNNN đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả và có tính cạnh tranh tại Việt Nam và thúc đẩy sự tham gia của khu vực này vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Với việc hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tăng khả năng cạnh tranh là rất quan trọng đối với Việt Nam khi mà Việt Nam có đầy đủ nguồn lực cần thiết.

“Vì lý do này, WB mong muốn được đồng hành cùng SCIC và các đối tác khác trong việc đảm bảo việc quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn các tài sản nhà nước, hướng tới việc ban hành các quy định minh bạch đối với các tài sản này khi nhà nước quyết định giảm bớt tỷ lệ nắm giữ”, ông Sebastian Eckardt nói. 

Tại hội thảo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẳng định, trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, Nhà nước không chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà còn chú ý đến các tiêu chí khác như vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng… Nói cách khác cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với doanh nghiệp "chứ không chỉ có tiền không", mà phải chọn nhà đầu tư chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền, bán giá càng cao thì không khó, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn.../.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực