Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam: Cầu nối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước

Thứ hai, 29/01/2018 16:49
(ĐCSVN) – Được thành lập theo Quyết định số 192/QĐ-BNV ngày 12/3/2013 của Bộ Nội vụ và Quyết định phê duyệt Điều lệ số 797/QĐ-BNV ngày 1/7/2013 của Bộ Nội vụ, những năm qua, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã hoạt động khá hiệu quả với tư cách là cầu nối chính sách và doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân.
Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cần phát huy tốt vai trò của mình (Ảnh: HNV)

Thực tế, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nhân tư nhân là công dân Việt Nam (trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,… mà không thuộc doanh nghiệp nhà nước), tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc ra đời và hoạt động của Hội được xem là một tiếng nói chung của đội ngũ doanh nhân tư nhân với Nhà nước – "bà đỡ" cho đội ngũ doanh nhân ra đời và phát triển - với nội bộ đội ngũ doanh nhân và với xã hội để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ mà từng doanh nhân riêng lẻ khó có điều kiện thực hiện: liên kết, hỗ trợ các hội viên nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp của doanh nhân và doanh nghiệp của họ.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Song song với việc thực hiện các cam kết quốc tế, đa phương và song phương mà nước ta đã tham gia như WTO, APEC, AFTA… Việt Nam đang xúc tiến tham gia Hiệp định TPP, FTA … đòi hỏi các doanh nhân nước ta được tập hợp trong tổ chức của mình để có điêu kiện thuận lợi liên kết lại với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hình thành các chuỗi sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng nội địa cao để tận dụng được cơ hội mới khi mà các nước tham gia TPP và FTA mở cửa thị trường với thuế xuất thấp cho hàng hóa của ta. Nếu không rũ bỏ được tính riêng rẽ của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân đang còn phổ biến thì chẳng những chúng ta không tận dụng được cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế mà còn thua ngay trên sân nhà.

Thêm nữa, sự phát triển lực lượng sản xuất của kinh tế nước ta đang đặt ra sự bức thiết phải gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình và các hộ kinh doanh cá thể phải liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì mới tăng được hiệu quả, mang lại lợi ích cho người nông dân và các hộ kinh doanh cá thể.

Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đang có vai trò lịch sử để thực hiện việc tập hợp, đoàn kết, gắn kết các doanh nhân với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò kinh tế tư nhân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền, tham gia tích cực trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp, cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ nước ngoài; tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị ngành hàng và các chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Kể từ khi thành lập đến nay, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng; tổ chức, bộ máy từng bước được kiện toàn; đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương định hướng doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương; kịp thời cổ vũ, biểu dương, vinh danh những doanh nghiệp và doanh nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp thiết thực vào các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Hội đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy tốt hơn nữa vị trí, vai trò của mình, thiết nghĩ, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cần tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp tư nhân với các cơ quan nhà nước; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp để tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp có các chủ trương, chính sách phù hợp; làm tốt công tác thông tin về hội nhập quốc tế, cung cấp, trang bị những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm quản trị sản xuất, kinh doanh tiên tiến cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền vinh danh những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong đổi mới, sáng tạo, sản xuất, kinh doanh.

Thêm nữa, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu quả, thực sự là “người lính trên mặt trận kinh tế”. Để làm được như vậy, nên chăng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực quản trị và kinh doanh; chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phấn đấu có nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ Việt Nam mang tầm quốc tế, góp phần chấn hưng đất nước và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, đổi mới, sáng tạo và hiện đại đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, cần đề cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đạo đức, văn hóa kinh doanh, bảo vệ môi trường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật, thông lệ quốc tế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm phát triển bền vững. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, các ban, bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương nhất quán trong phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế tư nhân, góp phần lan tỏa sâu rộng tinh thần doanh nhân đổi mới, sáng tạo, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đội ngũ doanh nhân với các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực