Hội nghị đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Thứ sáu, 13/12/2019 18:51
(ĐCSVN) - Năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, trong đó có đề xuất bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
leftcenterrightdel
Hội nghị đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Ảnh: A.N) 

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức chiều 12/12. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi đối thoại.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo. Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 9 vừa qua, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên thứ 67/141 nền kinh tế và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề vướng mắc đã được đại diện các tiểu ban đến từ EuroCham đưa ra trong ba phiên của Hội nghị, liên quan đến đăng ký sản phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình hải quan, những thách thức của việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, cụ thể là bao bì, nhãn mác, quảng cáo và các thách thức đối với doanh nghiệp châu Âu trong hoạt động kinh doanh hàng ngày như thuế, hải quan và quy trình cấp phép.

Băn khoăn về việc áp dụng không nhất quán Nghị định 36/2016/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, đại diện Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán thuộc EuroCham nêu, theo Nghị định 36 và Nghị định 169, việc phân loại trang thiết bị y tế được thực hiện bởi cơ sở đã công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế, còn Bộ Y tế không thực hiện phân loại. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan hải quan vẫn căn cứ vào khoản 8, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC (hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế) và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xác nhận của Bộ Y tế cho trang thiết bị y tế nhập khẩu.

Theo đó, doanh nghiệp phải cung cấp xác nhận của Bộ Y tế để được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% cho thiết bị chuyên dùng, vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế không được đề cập tại Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 83/2014/TT-BTC (hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam). Do đó, nhiều mặt hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu theo Nghị định 36 và Nghị định 169 được phân loại là trang thiết bị y tế hiện nay không được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%.

Để tháo gỡ những vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp khi nhập khẩu trang thiết bị y tế, Tiểu ban này kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thống nhất thực hiện phân loại và xác nhận trang thiết bị y tế theo hai Nghị định trên, áp dụng một mức thuế suất chung cho các mặt hàng là trang thiết bị y tế; sửa đổi Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng cho trang thiết bị y tế để phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chính phủ và Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán của EuroCham cũng nêu lên thực tiễn triển khai vẫn có nhiều trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhà sản xuất thực tế trên nhãn gốc. Điều này là không hợp lý với quy định pháp luật tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Trong quá trình thông quan hàng hóa, nhiều trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp mở bao bì ngoài của sản phẩm để kiểm tra thực tế hàng hóa mặc dù bao bì ngoài đã có đầy đủ các thông tin cần thiết của sản phẩm. Việc mở bao bì có thể ảnh hưởng đến chất lượng của trang thiết bị y tế sau khi thông quan. Để đảm bảo công tác hành chính của cơ quan hải quan, đồng thời giảm thiểu rủi ro về ảnh hưởng chất lượng sản phẩm trang thiết bị y tế sau khi thông quan, phía EuroCham đề nghị các cơ quan hải quan nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra hàng hóa bằng các thiết bị soi, chiếu.

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, việc ghi thông tin nhà sản xuất trên nhãn gốc, hiện cơ quan hải quan thực hiện đúng theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Còn đối với việc mở hàng để kiểm tra và soi chiếu, ông Thành khẳng định, “việc kiểm tra ở hải quan nước nào cũng vậy, trong trường hợp hàng hóa phải kiểm tra, khi mở lô hàng ra thì phải mở đến sản phẩm, không có chuyện mở ra nhìn thấy bao bì lại đóng lại và kiểm tra xong, phải trả lời cho nhà nước là họ đã nhập cái gì”. Ông đồng tình với kiến nghị của EuroCham về tăng cường sử dụng soi, chiếu.

 

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực