Khảo sát học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)

Thứ năm, 01/08/2019 15:06
(ĐCSVN) - Từ ngày 29/7-2/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung dẫn đầu Đoàn công tác Việt Nam bao gồm các thành viên thuộc một số Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đi khảo sát học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ chương trình. (Ảnh: MPI)

Theo đó, trong ngày 30/7, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung - Trưởng đoàn công tác và Đoàn đã làm việc với tư vấn của Chương trình Chia sẻ tri thức Hàn Quốc với Việt Nam (KSP) trong khuôn khổ Chương trình KSP.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đã khảo sát, tham quan dự án BLT Trường trung học Pangyo và làm việc với lãnh đạo các cơ quan liên quan về việc hợp tác đầu tư dự án này.

Mô hình PPP chính thức được triển khai tại Hàn Quốc từ năm 1994 cùng với việc ban hành Luật thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng. Khi Luật được áp dụng vào thực tế, có hơn 100 dự án khác nhau trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở đã được triển khai theo hình thức PPP. Tuy nhiên, trong 4 năm đầu, chỉ có 42 dự án được hoàn thành.

Nghiên cứu về vấn đề này đã chỉ ra các thiếu sót trong Luật năm 1994 và một đạo luật về hợp tác công - tư mới được ban hành vào năm 1999 thay thế cho các luật cũ. Luật này đã cải thiện các hình thức hợp đồng, cách thức xử lý các dự án đơn lẻ, đồng thời quy định bắt buộc phải nghiên cứu tính khả thi khi triển khai dự án và hệ thống xử lý rủi ro khác và thành lập một Trung tâm nghiên cứu triển khai PPP (PICKO). Trung tâm này được sáp nhập với Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng cơ sở tư nhân (PIMAC) sau khi Luật về Hợp tác công - tư được sửa đổi năm 2005.

Theo quy định của Luật về Hợp tác công - tư, PIMAC ban hành kế hoạch thường niên về PPP, trong đó có những chỉ dẫn cụ thể và thực tế để ứng dụng các dự án PPP, đồng thời ban hành Cẩm nang hướng dẫn thực hiện PPP nhằm tạo sự minh bạch, thu hút sự quan tâm của khu vực đầu tư tư nhân.

Năm 2001, Chính phủ đã ban hành một kế hoạch 10 năm triển khai PPP, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào các dự án theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn thực hiện việc khuyến khích các dự án PPP bằng hình thức miễn, giảm thuế.

Tọa đàm về mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư Việt Nam - Hàn Quốc. (Ảnh: MPI)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Hàn Quốc, ngày 31/7, tại thủ đô Seoul, Đoàn công tác Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ cuộc làm việc, Toạ đàm về mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) Việt Nam - Hàn Quốc đã được tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam Nguyễn Đức Trung và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Goo Yoon Cheol.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Goo Yoon Cheol cho biết, trong thời gian qua, nguồn lực đầu tư từ kinh tế tư nhân của Hàn Quốc đã tạo nên hiệu quả phát triển sản xuất ước tính hơn 120 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 700 lao động. Thêm vào đó, hàng năm nguồn lực này giúp tiết kiệm hơn 2,5 tỷ USD nguồn tài chính công cho Chính phủ Hàn Quốc.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao tính công ích như: giảm thiểu chi phí, minh bạch hóa các thủ tục đầu nhằm tạo dựng niềm tin cho người dân.

"Có thể nói, nguồn lực từ kinh tế tư nhân đang đóng góp một phần rất quan trọng trong việc nâng cao cơ sở vật chất xã hội tại Hàn Quốc", ông Goo Yoon Cheol khẳng định.

Tại Tọa đàm, hai bên nhất trí cho rằng, những chia sẻ tại Tọa đàm đã góp phần tạo tiền đề để hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thêm nhiều hơn các cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh từ nguồn lực tư nhân.

Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc là cơ quan đứng đầu Hàn Quốc về đầu tư và tài chính, chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy kinh tế với các nhiệm vụ chính, bao gồm: Lên kế hoạch và triển khai các chiến lược phát triển quốc gia từ trung đến dài hạn; Xây dựng và điều phối các chính sách kinh tế và tài chính;  Kế hoạch, thực hiện và quản lý ngân sách và các nguồn vốn nhà nước, quản lý chi phí; Phát triển và quản lý các chính sách liên quan đến thuế, nguồn vốn quốc gia, hệ thống chi tiêu chính phủ và quản lý tài chính công; Điều phối các chính sách về giao dịch ngoại hối và tài chính đa quốc gia; Tiếp cận các đối tác quốc tế và đẩy mạnh việc hợp tác và trao đổi kinh tế xuyên quốc gia; Quản lý và điều hành các tổ chức tài chính công. MOEF cũng là cơ quan đầu mối ban hành chính sách, cung cấp tài chính để thực hiện dự án PPP.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực