Khảo sát thực tế giúp nghiên cứu lý luận sát sườn và hiệu quả hơn

Thứ hai, 28/05/2018 17:11

(ĐCSVN) - Nằm trong chương trình khóa đào tạo (2017 - 2019) cho các học viên thuộc các Bộ, ngành, địa phương (Tổng Công ty 3) của Học viện Chính trị Khu vực 1 thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chiều 25/5, Đoàn cán bộ Lớp cao cấp lý luận chính trị Tổng Công ty 3 đã có buổi thăm, thị sát thực tế tại Duy Tiên, Hà Nam.


Đồng chí Phạm Hồng Thanh, Phó Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi làm việc.
(Ảnh: Việt Hải)

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Phạm Hồng Thanh cho biết: Là một trong những huyện có thế mạnh về làng nghề truyền thống với nhiều nghề thủ công đã có từ lâu đời như: ươm tơ, dệt lụa, mây giang đan, thêu ren, bưng trống... Duy Tiên hiện có 6 làng nghề, trong đó có 4 làng nghề truyền thống là: làng nghề trống Đọi Tam, thêu ren Vũ Xá (Yên Bắc), dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam), mây giang đan Ngọc Động (Hoàng Đông) và 2 làng nghề mới là: làng nghề ươm tơ kéo kén Từ Đài (Chuyên Ngoại) và Mây giang đan Hoà Trung (Tiên Nội). Các nghề truyền thống của huyện đã có bước phát triển vững chắc đạt giá trị sản xuất lớn, tiêu biểu là nghề mây giang đan ngày càng được nhân rộng tới từng thôn, xóm. Nhiều mặt hàng đã chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của huyện.

Về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), Duy Tiên đã tập trung phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh đầu tư và trở thành huyện đi đầu trong xây dựng các khu công nghiệp, cụm CN-TTCN quan trọng như: Khu công nghiệp Đồng Văn (400ha), Cụm Công nghiệp Hoàng Đông (100ha), Cụm TTCN làng nghề Hoàng Đông (9,34ha), Cụm CN-TTCN Cầu Giát (30ha),  khu đô thị mới Đồng Văn và nhiều dự án khác đã được quy hoạch phát triển trong những năm tới. Đồng thời, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đến nay, cụm CN-TTCN Cầu Giát đã thu hút 8 doanh nghiệp đầu tư, hiện nay đã đi vào hoạt động và sản xuất có hiệu quả. Cụm TTCN làng nghề Hoàng Đông có 18 doanh nghiệp và hộ tư nhân, hiện nay đã có 14 doanh nghiệp và hộ cá thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất...

Ngoài ra, trong phong trào xây dựng nông mới, tháng 5/2018, huyện Duy Tiên cũng vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký Quyết định số 509/QĐ-TTg công nhận huyện Duy Tiên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 với 16/16 xã (100%) đã đạt đầy đủ 19 tiêu chí Trung ương đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn trong gần 7 năm qua của Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Tiên. “Dự kiến trong tháng 6 này, Đảng bộ, chính quyền huyện sẽ trọng thể tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới 2017”, Chủ tịch Phạm Hồng Thanh nhấn mạnh.


Lãnh đạo huyện Duy Tiên và Ban cán sự Lớp cao cấp lý luận chính trị Tổng Công ty 3 tặng quà,
chúc mừng các em học sinh. (Ảnh: Việt Hải)

Trong lĩnh vực văn hóa, toàn huyện có 269 di tích lịch sử, trong đó có 12 di tích được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh. Hằng năm huyện Duy Tiên đều tổ chức Lễ hội Tịch Điền, nhằm dựng lại hình tượng vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) cày ruộng tịch điền để khuyến khích người dân trồng trọt, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hay như Lễ hội Chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn; lễ hội Đền Lảnh Giang xã Mộc Nam cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương khi mỗi dịp về thăm Duy Tiên.

Nhân dịp này, Lớp cao cấp lý luận chính trị Tổng Công ty 3 đã trao tặng quà cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Duy Tiên có thành tích học tập tốt, noi gương Bác Hồ vĩ đại, với mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng/em.

Trước đó, Lớp cao cấp lý luận chính trị Tổng Công ty 3 đã đi thăm quan một số khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Kim Bảng và Duy Tiên.

Việt Hải (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực