Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp trước thềm hội nhập

Thứ tư, 23/09/2015 14:16

(ĐCSVN) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khó khăn về nguồn vốn là một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang đứng trước thềm hội nhập kinh tế sâu rộng. Vì vậy việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng hành, hỗ trợ giữa Ngân hàng và Doanh nghiệp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Thách thức và cơ hội trong hội nhập kinh tế

Năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu, rộng của nước ta sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng Kinh tế khu vực vào cuối năm; các Hiệp định thương mại tự do hoàn thành bước cắt giảm theo các danh mục mặt hàng thông thường. Năm 2015 cũng là năm triển khai thực hiện một số FTA vừa ký kết và kết thúc đàm phán FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Việc Chính phủ đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng đã, đang và sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là những thách thức của tiến trình hội nhập.

Hội nhập sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) và các nguồn đầu tư ngoại khác. Cùng với đó là việc cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động…

Cơ hội ai cũng nhìn thấy nhưng những thách thì không phải là nhỏ. Trong đầu tư, cũng giống như trong thương mại, sức ép về cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại vào Việt Nam không kém gì sức ép cạnh tranh trong xuất khẩu. Bởi cơ hội thu hút đầu tư thông qua các hiệp định không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn cho tất cả các nước thành viên khác và quyền đầu tư ở đâu là do các nhà đầu tư nước ngoài quyết định. Môi trường đầu tư của các nước bao gồm nhiều yếu tố, từ thể chế, hệ thống luật pháp chính sách, quản trị của Chính phủ, cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ, nguồn lao động… Nếu những yếu tố này có tính cạnh tranh cao hơn sẽ thu hút được nguồn vốn ngoại nhiều hơn.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển đi trước cũng cho thấy hội nhập cũng sẽ kéo theo nhiều các dự án có thể gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực dệt nhuộm, may mặc... Ngoài ra, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam nhiều hơn. Bởi đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên vật liệu ở trong nước vì theo quy tắc xuất xứ, xuất khẩu vào các nước thành viên muốn được hưởng thuế suất thấp, phải có nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên nên việc chuyển nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ ngoài các nước tham gia đang thực hiện hiện nay sang các nước thành viên cũng không hoàn toàn dễ dàng và khó có thể làm ngay được.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu với khu vực và thế giới, cơ hội và thách thức đan xen nhau đã đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ, các Bộ, ngành cần tăng cường tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; Mặt khác, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, trong đó, vấn đề quan trọng là khơi thông được các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn lực về vốn có vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết.

Trong bảng xếp hạng của ngân hàng thế giới, Việt Nam là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn.

Và vấn đề đặt ra

TS Nguyễn Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ vào diễn biến trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước giảm và duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để giảm bớt chi phí tài chính và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Có 5 giải pháp đã được ngành Ngân hàng triển khai. Một là, điều hành chính sách lãi suất theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm đạt mục tiêu giảm dần mặt bằng lãi suất, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Đến nay mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, phổ biến ở mức 7-11%/năm bằng khoảng 40% mức lãi suất cuối năm 2011 và tương đương mức lãi suất giai đoanh 2005-2006.

Hai là, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả như chỉ đạo các TCTD thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn…

Ba là, tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tính đến cuối tháng 8/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo chương trình đạt trên 458.000 tỷ đồng.

Bốn là, tăng cường xem xét cho vay tín chấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm là, tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển sản xuất kinh doanh.

Xác định năm 2015 là năm bản lề cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, và đây cũng là “năm vì doanh nghiệp”, ngành ngân hàng cam kết luôn đồng hành cùng với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tời ngành ngân hàng cũng đã đặt ra định hướng cho chính sách tín dụng.

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh hoạt động tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.

Thứ tư, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ.

Cùng với sự nỗ lực của ngành ngân hàng  theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh; Tái cấu trúc kinh doanh nhằm tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định; Tăng cường tính liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là giữa doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và cùng phát triển bền vững; Đa dạng hóa nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc duy nhất vào nguồn tín dụng ngân hàng; Tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng; xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả; Tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý và kinh doanh, tìm kiếm sự hợp tác trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp để tận dụng nguồn lợi của nhau cùng phát triển./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực