Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa

Thứ sáu, 16/03/2018 16:47
(ĐCSVN) - Quan điểm sống hiện đại ngày nay không còn coi ngôi nhà chỉ là nơi để ở mà còn là sự giao hòa của các giá trị tinh thần, văn hóa, tính nhân văn đi cùng mỗi tổ ấm. Điều này đồng nghĩa với việc cẩn đảm bảo một môi trường sống văn minh mà vẫn giữ được tinh hoa của văn hóa truyền thống.

Khi ngôi nhà không chỉ để ở

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Đây cũng là thông điệp được truyền tải tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa” diễn ra chiều 15/3 tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) bảo trợ với sự phối hợp tổ chức của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Gia Đình. 

Thực tế cho thấy, giá trị của một ngôi nhà bây giờ không chỉ còn được đo bằng giá cả, bằng sự thỏa mãn nhu cầu vật chất mà nó còn được đo bằng những giá trị văn hóa, nhân văn mà không gian sống mang lại. Một không gian sống văn minh không chỉ được tạo lập nhờ các yếu tố kỹ thuật như cơ sở hạ tầng, tiện nghi đô thị mà còn bao gồm cả các yếu tố phi kỹ thuật như con người, văn hóa. Bởi thế, điều quan trọng trong đời sống hiện đại hiện nay là cần phải giữ môi trường sống xen lẫn bản sắc văn hoá. Việc tọa đàm được tổ chức lần này cũng nhằm giúp chủ đầu tư nhận thức và điều chỉnh đúng đắn, hợp lý trong quan hệ với các cư dân sinh sống trong toà nhà, nhất là các khu chung cư hiện đại ngày nay.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, việc điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống đô thị hiện đại là cần thiết vì hành xử với nơi đang sống hiện nay ở nhiều nơi của nước ta, nhất là tại các đô thị lớn đang ở tình trạng đáng báo động. Với xu thế đời sống phát triển như hiện nay, nhu cầu mở rộng nữa đô thị là hiện hữu, do đó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tìm cách chung sống, biến những khu chung cư - nơi toàn bê tông hoá trở nên khác đi với các không gian sống xanh, điều kiện sống văn minh, nhưng vẫn gìn giữ giá trị văn hoá Việt.

Trong khi đó, theo Thượng toạ Thích Tâm Hiệp, truyền thống và bản sắc của văn hóa Việt là sự tôn trọng và ý thức nguồn cội cao với tinh thần ly hương mà không phải ly cội (tổ tiên), do đó, phải biến nơi sinh sống hiện tại tiếp nhận giá trị của những thế hệ đi trước.

Còn TS Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia bất động sản cho rằng, chúng ta đang trong hành trình tìm nơi ở rồi nơi sống rồi nơi đáng sống và đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta mà không phải của riêng ai, tất cả các đối tượng liên quan, từ chủ đầu tư, tới cơ quan quản lý, các nhà hoạch định và cả cộng đồng đều phải tâm huyết và thực sự hành động vì chất lượng nơi sinh sống.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VNREA cho hay, sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa cho thấy tốc độ công nghiệp hóa ngày càng nhanh nhưng cũng dẫn đến một mâu thuẫn lớn hiện nay là văn minh đô thị và văn hoá truyền thống, quan hệ người - người, vì thế, rất cần thiết phải định hướng lại một phong cách sống vừa truyền thống vừa hiện đại. Đồng quan điểm này, hoạ sĩ Thành Chương cho biết, văn hoá làng gắn liền với truyền thống Việt, đó là một thứ văn hóa hồn nhiên, thoải mái, đơn sơ, giản dị nhưng nó lại không phù hợp với nhịp sống nhanh, hối hả của hiện đại, của đô thị. Do đó, nhà văn Trần Thanh Cảnh kiến nghị, nhìn trở lại văn hoá làng, chúng ta thấy trong đó rất rõ một không gian văn hóa, một thiết chế văn hóa và hương ước chặt chẽ, trong khi đó ở các khu dân cư hiện đại, hầu như chúng ta không có văn hoá thành thị. Vì thế, cần học hỏi lại những điểm tốt đẹp của văn hóa làng để xây dựng văn hoá khu dân cư, đô thị. Dịp này, nhà văn Trần Thanh Cảnh cũng tha thiết bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư xây dựng cân đối giữa lợi nhuận và văn hoá, dành ra không gian sống thích hợp làm căn cứ tạo lập nên văn hóa sống của các khu chung cư, khu đô thị hiện đại....

Thẳng thắn phấn tích những mặt được và chưa được, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận và đối diện với thực tế phát triển hiện đại, điều quan trọng là ứng xử và tạo lập một không gian sống phù hợp cộng đồng.

Tôn vinh văn hóa và con người

Các diễn giả tại Tọa đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa" (Ảnh: HNV)

Cuộc thi viết và ảnh “Nơi tôi sống” là cuộc thi do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phối hợp tổ chức từ tháng 3 - tháng 10/2018. Đây là hoạt động nhằm nhằm cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp. Đây cũng là dịp để phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống, đồng thời nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm.

Cuộc thi cũng đồng thời là diễn đàn mở cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong ước về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người.

Theo Ban Tổ chức, quan điểm hiện đại về giá trị của ngôi nhà đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Ngày nay, giá trị của một ngôi nhà không chỉ được đo bằng giá cả, bằng sự thỏa mãn nhu cầu vật chất mà nó còn được đo bằng những giá trị văn hóa, nhân văn mà không gian sống mang lại. Điều đó được  tạo lập không chỉ bằng các yếu tố kỹ thuật như cơ sở hạ tầng, tiện nghi đô thị mà còn bao gồm cả các yếu tố phi kỹ thuật như con người, văn hóa. Chúng ta muốn có những khu đô thị đáng sống, những đô thị xanh thì rất cần phải có những “con người xanh””.

Những người quan tâm tới cuộc thi có thể tham dự ở 2 hình thức là thi viết và thi ảnh. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ nay đến hết ngày 31/10/2018, không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi.

Các tác phẩm dự thi sẽ được thẩm định, chấm giải bởi một Hội đồng Giám khảo gồm nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, chuyên gia uy tín như: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội đồng), họa sĩ Thành Chương, nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng và nhiếp ảnh gia Trọng Chính.

Cuộc thi Nơi tôi sống có tổng giá trị giải thưởng khoảng 500 triệu đồng, bao gồm các giải chung cuộc và giải tháng. Trong đó, giải Nhất chung cuộc có giá trị lên tới 50 triệu đồng (gồm 15 triệu đồng tiền mặt và sản phẩm/dịch vụ là các chuyến du lịch).

Dự kiến, sẽ tổng kết và trao giải vào Ngày Đô thị Việt Nam (tháng 11/2018).

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực