Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam trong quản lý ngân sách nhà nước

Thứ năm, 18/10/2018 15:55
(ĐCSVN) – Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cải cách hệ thống quản lý tài chính công nhằm giải quyết các thách thức như nợ công đang ở mức cao và thu ngân sách hiện không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu phát triển.
Hội thảo diễn ra tại Nhà khách quân đội, Hà Nội (Ảnh: HNV)

Ba công cụ hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước được áp dụng khá phổ biến trên thế giới đã được giới thiệu, bao gồm: Đánh giá không gian tài chính, Lập kế hoạch tài chính trung hạn, và Chi tiêu ngân sách dựa trên kết quả. Trong đó, Kế hoạch tài chính trung hạn hiện được áp dụng tại hầu hết các nước OECD, ngoại trừ Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên,  để áp dụng các công cụ trên để cải cách hệ thống quản lý tài chính công, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, cần có đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. 

Tại Hội thảo “Các công cụ quản lý ngân sách nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam” diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội, các đại biểu đến từ cơ quan quốc tế, cơ quan chính phủ, trường đại học, tổ chức xã hội và báo chí đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm tìm kiếm và góp ý cho Việt Nam mô hình quản lý ngân sách nhà nước hiệu quả. Hội thảo do Liên minh minh bạch ngân sách (BTAP) và tổ chức quốc tế Oxfam tổ chức.

Cũng tại Hội thảo, Tiến sĩ Marthew Martin, Giám đốc tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế (DFI), cho rằng Việt Nam cần một nguồn lực tài chính lớn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững SDGs. Muốn vậy, Việt Nam cần mở rộng không gian tài chính, tức là những tiềm năng để tăng chi tiêu cho phát triển mà không làm tổn hại đến sự bền vững của hệ thống tài chính công cũng như nền kinh tế. Theo đó, có 8 giải pháp chung để mở rộng không gian tài chính. Tuy nhiên, các giải pháp như nới lỏng chính sách tài khóa hay vay nợ để đầu tư phát triển đều không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát và nợ công hiện nay. “Tôi cho rằng, Việt Nam chỉ nên tập trung vào ba nội dung chính là: Tái cơ cấu lại các khoản chi ngân sách; Nâng cao hiệu quả chi ngân sách thông qua các cơ chế minh  bạch và có sự tham gia của công chúng trong giám sát chi tiêu; và Nâng cao hiệu quả thu ngân sách bằng các giải pháp khác nhau như hạn chế gian lận thuế, bãi bỏ các ưu đãi thuế không cần thiết ”-  Tiến sĩ Matthew Martin chia sẻ.

Phân tích về việc huy động nguồn thu, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Uỷ viên BCH Trung ương Hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam (VAA), để huy động nguồn thu, các nước trên thế giới thường làm: các chính sách phát triển kinh tế để tăng quy mô thu NSNN trên nền thuế hiện có; Ban hành thêm các loại thuế mới; Cơ cấu lại, điều chỉnh hệ thống thuế hiện có (cơ sở thuế, thuế suất, các ưu đãi, miễn giảm thuế …); Tăng cường công tác quản lý thuế, bảo đảm công bằng trong thực thi, tuân thủ, chống thất thu … Cũng gần tương tự, Việt Nam thường làm: thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế; ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế; cơ cấu lại thu NSNN theo hướng mở rộng cơ sở thuế, rà soát lại các ưu đãi, miễn giảm thuế …); tăng cường công tác quản lý thuế…

Quản lý NSNN cần được giám sát thường xuyên của Quốc hội(Ảnh tư liệu)

Theo Báo cáo “Đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam” do Oxfam thực hiện năm 2017, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam lớn và dàn trải; ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế của Việt Nam dài hơn và có phạm vi rộng hơn một số nước trong khu vực. Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế khá cao cho các dự án đầu tư vào các địa bàn kém phát triển hay các khu kinh tế. Những ưu đãi thuế có thể thúc đẩy hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, gây xói mòn cơ sở thuế.  Theo báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (2017-2018) , ba yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn không phải ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2014, 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết. Vì vậy, Việt Nam cần rà soát và loại bỏ những ưu đãi thuế không cần thiết, đồng thời giảm thiểu việc trốn thuế và tránh thuế qua các cơ chế giám sát, đặc biệt thực hiện tốt Nghị Định 20/2017/NĐ-CP - Quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. 

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập, cho rằng Việt Nam cần nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách bằng các cơ chế minh bạch và giám sát. Cũng theo ông Thương, hiện nay, một số tài liệu về ngân sách đã được công bố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Tuy nhiên, các tài liệu này không đủ chi tiết để công chúng và các tổ chức xã hội giám sát chi tiêu ngân sách một hiệu quả. Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các quy định chính sách cũng như thực hành về công khai ngân sách nhà nước.

Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, khuyến nghị , Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng các công cụ mới như phân bổ ngân sách dựa trên kết quả nhằm đảm bảo ngân sách chi tiêu tốt hơn cho các mục tiêu định hướng và đạt được các kết quả mong đợi. Để làm được việc đó, sự hợp tác giữa các cơ quan và Bộ, ngành khác nhau để cùng xây dựng kế hoạch ngân sách cho những mục tiêu phát triển chung là rất cần thiết.

Dịp này, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam, chia sẻ: “Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về giảm nghèo nhờ đầu tư ngân sách cho các chương trình giảm nghèo và phát triển xã hội. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo hiện nay đang chững lại, tỷ lệ nghèo ở miền núi vẫn đang ở mức cao, nghèo đa chiều đã trở thành vấn đề hiện hữu tại các khu vực đô thị và bất bình đẳng đang trở thành một thách thức mới. Việt Nam có thể học kinh nghiệm của các nước khác trong việc sử dụng ba công cụ hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước được giới thiệu tại hội thảo để nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, duy trì và tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển công bằng và bền vững.”

Có thể thấy, chính sách tài chính hoặc tiền tệ mở rộng sẽ diễn ra ở quy mô nhỏ hơn – lạm phát ở mức thấp 4%, nhưng Việt Nam lo ngại về nguy cơ tăng giá, vì vậy đã tuân thủ các chính sách tài chính và tiền tệ “hợp nhất” để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách hiện nay gần 5% GDP (cao): mặc dù khoản thu được từ cổ phần hóa các DNNN sẽ giúp giảm tác động đối với nợ nhưng điều này sẽ chỉ duy trì trong khoảng 3 năm. Tương tự như vậy, hoạt động vay nợ sẽ chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ trong bối cảnh mức nợ hiện tại đã đạt gần giới hạn theo luật định là 65%. Nợ có thời hạn dài hơn, đặc biệt là nợ trong nước.

Mô hình hợp tác công tư (PPP) không phải là giải pháp tài chính thay thế – có khả năng tốn chi phí trả trước cao hơn gấp 3-4 lần so với trái phiếu và rủi ro cao đối với ngân sách (khoảng một phần ba các mô hình này là không phù hợp, yêu cầu chi phí bổ sung từ ngân sách)

Các rủi ro khác từ nợ DNNN không được bảo đảm, cũng như nhu cầu tái cấp vốn cho các ngân hàng và hệ thống bảo hiểm quỹ tiền gửi. Hình thức hợp tác phát triển (ví dụ, tài trợ ưu đãi)  thường có quy mô rất nhỏ và khó có thể mang lại sự tăng trưởng đáng kể trong khi đó không có nguồn “dự trữ dự phòng” lũy kế lớn; dự trữ ngoại hối chỉ ở mức 3 tháng nhập khẩu (thấp). Các đại biểu đã cảnh báo, nỗ lực tăng cường huy động nguồn thu trong nước, lập kế hoạch ngân sách trong trung hạn và lập kế hoạch ngân sách dựa trên chương trình (thiếu chi phí theo đơn giá, thiếu sự rõ ràng về kết quả để chỉnh sửa các sản phẩm đầu ra...) đã đặt ra nhu cầu rất lớn cho công tác xây dựng năng lực. Cũng như công tác lập kế hoạch trung hạn, tình trạng thiếu hụt nguồn thu hoặc khung chính sách hạn chế có thể làm tan vỡ ảo tưởng của các ban ngành và làm suy yếu quy trình. Bởi thế, cần có sự giám sát thường xuyên của quốc hội/nhân dân về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình để đảm bảo thành công.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực