Luật Cạnh tranh 2018 bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp

Thứ năm, 13/09/2018 16:48
(ĐCSVN) - Xuất phát từ vị trí, vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế đất nước, vừa qua, Chính phủ đã trình Dự án Luật cạnh tranh sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật Cạnh tranh được sửa đổi, bổ sung để phục vụ cho mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ môi trường cạnh tranh; hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, thông qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Những sửa đổi, bổ sung quan trọng

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 là công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết cạnh tranh trên thị trường. Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường đến các mô hình, cơ quan thực thi…

Đặc biệt, Luật Cạnh tranh 2018 đã đổi mới cách tiếp cận, kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh tập trung kinh tế theo hướng áp dụng nhiều hơn các phương pháp về phân tích kinh tế…phù hợp với xu hướng của thế giới.

Tuy nhiên theo ông Tân, những thay đổi, điều chỉnh và bổ sung trong Luật Cạnh tranh 2018 cũng tạo ra những cách thức không nhỏ đối với việc thực thi pháp luật cạnh tranh, đặc biệt là sự tuân thủ pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan khi các đối tượng này còn rất mới mẻ.

Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), có 8 sửa đổi, bổ sung mới cơ bản và hết sức quan trọng trong Luật Cạnh tranh 2018, bao gồm việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm; Kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng như chính sách khoan hồng; Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường; Các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh và hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.

Lấy ví dụ trường hợp Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại Hệ thống Siêu thị BigC tại Việt Nam, bà Lan cho rằng, thương vụ này được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004.

“Mặc dù thời điểm đó, các nhà bán lẻ trên thị trường, các doanh nghiệp cung cấp đều rất quan ngại thương vụ này tiềm ẩn những vấn đề về cạnh tranh, gây bất lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, cơ quan cạnh tranh đã không thể xử lý việc làm này hoặc đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ khi không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật”, bà Lan chỉ rõ.

Cũng theo bà Lan cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 đã đáp ứng và xử lý được những vấn đề đang là xu hướng cạnh tranh của thế giới cũng như cách thức xử lý của các cơ quan cạnh tranh trên thế giới. Cụ thể với bất cứ hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc giao dịch tập trung kinh tế xảy ra bất cứ nơi nào trên thế giới, ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu có tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường Việt Nam cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.

“Đây là cách tiếp cận rất mới, phù hợp và theo kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như những xu hướng gia tăng hoạt động của các công ty đa quốc gia cũng như các thỏa thuận, giao dịch M&A cũng như các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh diễn ra ngày càng nhiều tại bất cứ một quốc gia nào hoặc trên nhiều quốc gia có tác động đến thị trường Việt Nam trong tương lai”, bà Lan cho biết.

Thừa nhận quyền tập trung kinh tế của doanh nghiệp

Một vấn đề không kém phần quan trọng được quy định trong Luật Cạnh tranh 2018 đó là quy định xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh. Ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng Phòng Điều tra hạn chế cạnh tranh - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, cách tiếp cận của Luật đã đảm bảo tư duy kinh tế và tư duy pháp lý được kết hợp với nhau một cách hài hòa, nhuần nhuyễn trong từng quy định.

Theo ông Thành, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế. Luật Cạnh tranh mới đã thay đổi căn bản về tư duy lập pháp, thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách máy móc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Ngược lại, Luật chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

 “11 quy định tại Điều 11 Luật Cạnh tranh đã đảm bảo bao trùm toàn bộ các tình huống có thể xảy ra trên thực tiễn của thị trường hiện nay. Đối với các thỏa thuận cạnh tranh bị cấm quy định trong Điều 12 đã có sự khác biệt đáng kể so với Luật Cạnh tranh 2004. Đó là, Luật cấm tuyệt đối việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan đến giá, thị trường và sản lượng sản xuất và mua bán khi các doanh nghiệp trên cùng thị trường có cạnh tranh với nhau có thị phần kết hợp từ 30% trở xuống”, ông Thành cho biết.

Có thể thấy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh 2018 sẽ tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương./.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực