Nắm bắt thông tin sẽ giúp doanh nghiệp chủ động khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc

Thứ năm, 21/05/2015 19:47

(ĐCSVN) - Ngày 21/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA): Nội dung cam kết - Tác động tới doanh nghiệp Việt Nam”.

 

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)


Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết: Ngày 05/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Đây là FTA thế hệ mới đầu tiên trong số 07 FTA Việt Nam đang đàm phán được chính thức ký kết. Là nước xuất khẩu lớn thứ 5 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2014 và nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đang ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Do đó, việc ký kết FTA song phương với nước này sẽ mở thêm nhiều cơ hội lớn về xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường này.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nêu một số đã nêu những tác động và ảnh hưởng của VKFTA đối với các doanh nghiệp. Ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng Phòng Đông Bắc Á Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định VKFTA sẽ có một số tác động tích cực lên hai nước. Tuy nhiên, mức tác động sẽ khác nhau phụ thuộc vào trình độ phát triển, cơ cấu và khả năng hấp thu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Hiệp định VKFTA cũng có những hạn chế trong việc cân bằng thương mại song phương do bị ảnh hưởng phần lớn bởi cấu trúc kinh tế khác nhau và việc gia tăng đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam. Phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí… Về phía Việt Nam cũng cam kết ưu đãi với các mặt hàng từ Hàn Quốc như mỹ phẩm, dược phẩm, ô tô, động cơ, linh kiện, phụ tùng ô tô, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Ông Tuyên cũng đưa ra một số lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Hà Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp cần tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Hàn Quốc (Thương vụ Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng…). Đồng thời, khai thác triệt để ưu đãi do các Hiệp định song phương, đa phương mang lai. Đặc biệt cần có sự hiểu biết các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Hàn Quốc để cung cấp được những sản phẩm ổn định chất lượng hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch…

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin cam kết hội nhập để có kế hoạch sản xuất kinh doanh tận dụng cơ hội cũng như sẵn sàng đối phó cạnh tranh. Bên cạnh đó phải chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao tay nghề và năng lực của người lao động. Ngoài ra, cần chủ động tạo sự liên kết, gắn bó giữa các doanh nghiệp. Có chiến lược phát triển quan hệ lâu dài đối tác Hàn Quốc thông qua việc học hỏi các đối tác Hàn Quốc tại Việt Nam.

Hiện, quan hệ thương mại, hợp tác Hàn Quốc và Việt Nam luôn có tính bổ sung cho nhau, kim ngạch buôn bán 2 chiều tăng nhanh qua thời gian; đạt 500 triệu USD năm 1992 và 26 tỷ USD năm 2014. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam và hai bên đang nỗ lực nâng tổng kim ngạch buôn bán hai chiều lên khoảng 70 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, thông qua các dự án về phát triển hạ tầng, da giày, bất động sản, vật liệu xây dựng và nhất là chế tạo điện thoại di động.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực