Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

Thứ năm, 14/11/2019 15:52
(ĐCSVN) – Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Báo cáo tổng kết phát triển khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Khen tặng một số tập thể ban quản lý có thành tích xuất sắc (Ảnh: PV)

Tại Hội nghị giao ban Câu lạc bộ các Ban quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) các tỉnh, thành phố phía Bắc với chủ đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thu hút, quản lý dự án đầu tư trong các KCN, KCX, KKT” diễn ra tại Hà Nam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung, lãnh đạo Vụ Quản lý khu kinh tế (QLKKT), Vụ Pháp chế và Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư của Bộ.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy; lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai, Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Vụ Quy hoạch kiến trúc - Bộ Xây dựng và 30 lãnh đạo Ban quản lý KCN, KKT các tỉnh phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: PV)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đánh giá cao việc Câu lạc bộ các Ban Quản lý các Khu công nghiệp khu vực phía Bắc tổ chức cuộc giao ban hàng năm để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như một số vướng mắc trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương. Đây là diễn đàn để Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành lắng nghe các phản ánh thực tiễn từ các địa phương để nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Báo cáo tổng kết phát triển KCN, KKT trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới. Qua tổng kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc phát triển KCN, KKT trong thời gian qua đã đạt được một sốkết quả như: góp phần đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, về cơ bản, các KCN, KKT vẫn đang phát triển theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực và vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đơn cử:

Một là, chưa đổi mới mô hình phát triển của KCN, KKT, chưa có các mô hình KCN, KKT chuyên sâu, hình thành các cụm sản xuất có quy mô trong KCN, KKT.

Hai là, tính liên kết giữa các KCN, KKT còn yếu, nhất là phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistic, chưa có tính liên kết vùng và tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Ba là, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT chưa cao. Các dự án đầu tư vào KCN, KKT có trình độ công nghệ ở mức trung bình là chủ yếu.

Bốn là, công tác phát triển hạ tầng xã hội và đời sống người lao động trong KCN, KKT còn gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo vệ môi trường, nhất là kiểm soát nước thải, rác thải, khí thải chưa triệt để, vẫn có các hiện tượng vi phạm về môi trường như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển KKT, KCN, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị các Ban Quản lý KCN, KKT khu vực phía Bắc tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền, UBND Tỉnh các giải pháp khắc phục các hạn chế trong phát triển KCN, KKT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương trong công tác xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách và quy hoạch phát triển KCN, KKT và phát triển các mô hình KCN, KKT mới như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ. Đồng thời, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác an sinh xã hội.

Thứ trưởng nhấn mạnh, nhân dịp này, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về phát triển KCN, KKT. Đối với các vướng mắc, hạn chế như chính sách, pháp luật về KCN, KKT, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước KCN, KKT tại địa phương… được các đại biểu phản ánh tại cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và sẽ tổng hợp vào Báo cáo tổng kết, trình Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp giải quyết trong thời gian tới.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 95,5 nghìn ha, trong đó, 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 66,2 nghìn ha và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng với tổng diện tích khoảng 29,3 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt gần 74%. Đối với các KKT ven biển, cả nước có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án vốn ĐTNN lên khoảng 8.900 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 186 tỷ USD.

Đối với các dự án đầu tư trong nước, 6 tháng đầu năm 2019, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 334 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 82,9 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án ĐTTN lên khoảng hơn 9.086 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2.060,5 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, các KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho khoảng 3,6 triệu lao động.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực