Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong hội nhập

Thứ năm, 07/03/2019 16:11
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn từ 2014-2018, lực lượng 389 đã xử lý 1.057.000 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ; Thu nộp ngân sách hơn 91 nghìn tỷ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều đại diện ban, ngành liên quan. (Ảnh: BCT)

Thông tin được công bố tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại - Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế” do Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 5/3, tại Quảng Ninh.

Cụ thể, theo Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia Đàm Thanh Thế: Những năm qua, Văn phòng thường trực 389 đã tham mưu nhiều chỉ thị, kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu. Nhờ sự triển khai với tinh thần quyết liệt, thường xuyên, phối hợp chặt chẽ, trong giai đoạn từ 2014-2018, lực lượng 389 đã xử lý 1.057.000 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ; Thu nộp ngân sách hơn 91 nghìn tỷ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, doanh nghiệp chân chính, tổn hại người tiêu dùng...

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cũng cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm: Tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.

Ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng nêu trên và những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó chú trọng: tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; Rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách; Nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng QLTT; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những kết của của lực lượng chức năng trong việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong năm 2018. Tuy nhiên do nhận thức làm luật về hàng giả, gian lận thương mại còn chưa có sự thống nhất trong bối cảnh hội nhập, tương thích với thông lệ quốc tế.

Ở Việt Nam chưa có luật riêng về chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, mà nằm rải rác ở các văn bản khác nhau gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi pháp luật. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng ý kiến kiến nghị, của các cơ quan chức năng, thông qua các hội thảo khoa học như hội thảo này để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy phù hợp bối cảnh mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quốc tế, lực lượng QLTT cần chủ động xây dựng các kế hoạch đấu tranh sát thực tiễn, tăng cường giám sát hoạt động thương mại điện tử, chủ động tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về hàng gian, hàng giả… Các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh doanh ổn định để phát triển.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực