Nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản

Thứ hai, 28/09/2015 16:01

(ĐCSVN) – Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường là do công nghệ khoa học còn lạc hậu. Theo nghiên cứu, khoa học nông lâm Việt Nam mới chỉ đóng góp 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, thấp hơn nhiều so mức 80 - 90% của các nước phát triển.

Hơn nữa, có 80 - 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải thông qua các khâu trung gian, dẫn đến các lo ngại về giá cả, mất thương hiệu. Bởi thế, theo các chuyên gia và các nhà quản lý, mấu chốt để giải quyết vấn đề này không gì khác ngoài đẩy nhanh công nghệ cao vào sản xuất.

 

 Máy gặt lúa giảm tải lao động cho nông dân, nâng cao năng suất thu hoạch
(Ảnh: Anh Thơ)


Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi ra hơn 250 triệu USD để nhập khẩu rau quả (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó có hơn 4 triệu tấn ngô, một loại lương thực có thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Theo các chuyên gia, khoa học - công nghệ đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công nghệ cao sẽ là đòn bẩy cho sức cạnh tranh của nông sản Việt. Do đó, hơn bao giờ hết, cần sự vào cuộc của cả "4 nhà" (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học) để có những giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất nông sản.

Một chuyên gia trong ngành rau quả Việt Nam cho hay, việc nâng cao công nghệ chế biến giúp giá trị nông sản tăng lên nhiều lần. Ngoài ra, các công nghệ cao như: sử dụng màng bao sinh học, tinh dầu tự nhiên, các phương pháp vật lý (xông hơi, điều chỉnh độ ẩm…), giúp bảo quản các loại hoa quả (như vải, cam, nhãn…) có thể tươi lâu đến 4 tháng.

Cũng theo các chuyên gia, các nhà khoa học, nghiên cứu để cải tiến, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản đã có nhiều nhưng để có lợi, phù hợp với thực tế, đến được với người nông dân còn ít, bởi nhiều lý do như: nhân lực, kinh phí, giải pháp, thời gian… Đặc biệt, vấn đề kinh phí cũng là một trong những khó khăn nan giải vì nó ngăn cản khả năng tiếp cận công nghệ cao của nông dân. Do đó, cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước, các bộ, ngành liên quan.

ơó thể thấy, việc tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ cũng là cách để Việt Nam chủ động đối mặt với thách thức trong đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và công bằng. Điều này có nghĩa là phải xây dựng được chuỗi giá trị gắn kết giữa người sản xuất, chế biến kinh doanh với thị trường, mà ở đó mọi người cùng chia sẻ cả lợi nhuận lẫn rủi ro, đặc biệt là cho những người nông dân sản xuất nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực