Nâng cao kỹ năng đàm phán các Hiệp định thương mại tự do

Thứ tư, 28/11/2018 17:46
(ĐCSVN) – Sáng kiến về nhu cầu xây dựng năng lực APEC (CBNI) đã nhận được ủng hộ và sự tham gia tích cực của hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC. Việt Nam là một trong những thành viên tiên phong trong quá trình thực hiện giai đoạn đầu của CBNI từ năm 2012.
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức Hội thảo xây dựng năng lực APEC về Kỹ năng đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương/khu vực (RTAs/FTAs) trong hai ngày 27 và 28 /11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đàm phán đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN…

Từ năm 2012 đến nay, Hàn Quốc khởi xướng Sáng kiến về nhu cầu xây dựng năng lực APEC (CBNI) và nhận được sự tham gia tích cực của các nền kinh tế như Việt Nam, Hoa Kỳ, Pê-ru, Nhật Bản, v.v... Trong khuôn khổ CBNI, hàng loạt các hội thảo xây dựng năng lực đã được tổ chức tại các nền kinh tế APEC nhằm xây dựng và nâng cao năng lực đàm phán FTAs cho các thành viên APEC đang phát triển trong bối cảnh ngày càng nhiều các FTAs đang được đàm phán và ký kết. Việc chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà đàm phán FTAs trong quá trình tham vấn trong nước, nghiên cứu chính sách và xóa bỏ các rào cản thương mại sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa các thành viên APEC phát triển và đang phát triển. Các hoạt động này giúp APEC chuẩn bị nền tảng hướng tới việc hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trong tương lai.

CBNI đã nhận được ủng hộ và sự tham gia tích cực của hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC. Việt Nam là một trong những thành viên tiên phong trong quá trình thực hiện giai đoạn đầu của CBNI từ năm 2012. Trong khuôn khổ CNBI, Việt Nam đã tổ chức một loạt các khóa đào tạo và hội thảo chuyên đề, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực khác nhau như môi trường, sở hữu trí tuệ (IPR), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), mua sắm chính phủ, v.v… với những kết quả thiết thực, hữu ích được các nền kinh tế APEC công nhận.

Có thể thấy xu hướng gia tăng các nội dung “thương mại và đầu tư thế hệ mới” (như lao động, môi trường,…) trong các Hiệp định FTAs thế hệ mới, tuy nhiên, các vấn đề thương mại truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, v.v... vẫn là nội dung cốt lõi và là yếu tố quan trọng nhất của các FTAs. Việc tìm hiểu và thực hành các kỹ năng và kỹ thuật đàm phán FTAs có ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế APEC trong việc tận dụng lợi ích do các FTAs mang lại. Do vậy, thông qua các bài tham luận chuyên sâu, các phiên thảo luận tích cực và hai bài tập (về kỹ năng đàm phán nói chung và đàm phán thương mại hàng hóa nói riêng), Hội thảo này là cơ hội cho các đại biểu, các nhà đàm phán Việt Nam và các nền kinh tế APEC rèn luyện kỹ năng đàm phán, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết và năng lực đàm phán các FTAs tương lai nói chung và đàm phán thương mại hàng hóa nói riêng.

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực