Nâng cao năng lực điều hành cho người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp

Thứ sáu, 14/09/2018 15:40
(ĐCSVN) – Người đại diện là người thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn do chủ sở hữu Nhà nước cử tại doanh nghiệp. Về cơ bản, mục tiêu của chủ sở hữu và của doanh nghiệp là làm sao để phát triển cao nhất hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển hiệu quả vốn.
SCIC trao bằng khen cho đại diện phần vốn của TCT  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017 (Ảnh: Huy Thắng)

Ngày 14/9, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Hội nghị công tác đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.  Tại hội nghị, lãnh đạo SCIC và trên 200 người đại diện vốn của SCIC sẽ trao đổi, thảo luận các giải pháp để nâng cao hơn nữa việc quản lý vốn nhà nước tại các các doanh nghiệp.

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, người đại diện là người thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn do chủ sở hữu Nhà nước cử tại doanh nghiệp. Về cơ bản, mục tiêu của chủ sở hữu và của doanh nghiệp là làm sao để phát triển cao nhất hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển hiệu quả vốn. Trong mọi tình huống chưa thống nhất về lợi ích giữa các nhóm cổ đông thì yêu cầu đặt ra đối với người đại diện trước hết phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước, trên cơ sở hài hòa các lợi ích, kể cả khi vốn Nhà nước chi phối tại doanh nghiệp đó hoặc là cổ đông thiểu số.

Khi tổ chức đại hội cổ đông, người đại diện có nhiệm vụ làm việc trước với Tổng công ty về các nội dung đại hội cổ đông như xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, cơ cấu nhân sự, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xử lý kịp thời các vấn đề tồn tại… Cùng với Tổng công ty, người đại diện tại doanh nghiệp đã góp phần quan trọng, đảm bảo lợi ích của cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp một cách trách nhiệm.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, tính đến 31/8/2018, tổng danh mục đầu tư của Tổng công ty gồm 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 82.838 tỷ đồng, bao gồm: 133 Công ty cổ phần; 1 Công ty TNHH 2 thành viên; 5 Công ty TNHH 1 thành viên. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 225 người đại diện, trong đó có 168 người là cán bộ doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 74,6%).

Năm 2017, trong tổng số 309 người đại diện thuộc đối tượng đánh giá của năm 2017 có 149 người đại diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 48,2%; 102 người đại diện hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 33%. Đối với người quản lý tại các công ty TNHH MTV.

Trong năm 2017, với sự góp sức của người đại diện, đa số các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp đã đạt mức vượt kế hoạch kinh doanh trên 10% như: Công ty cổ phần Bảo trì đường thủy nội địa số 15 (doanh thu đạt 171% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (doanh thu đạt 158%, lợi nhuận trước thuế đạt 194% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (cổ tức đạt 400% so với kế hoạch)... Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% như: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (24%), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (23%), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (43%), Công ty cổ phần Traphaco (23%), Công ty cổ phần Domesco (22%)....

Ông Thành cho hay, đối chiếu với các tiêu chuẩn theo quy định, Tổng công ty đã đề nghị tặng giấy khen của Tổng giám đốc cho 13 người đại diện; tặng giấy khen của HĐTV cho 15 người đại diện, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Bằng khen đối với 1 tập thể tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo SCIC cho rằng vẫn còn một số hạn chế như một số người đại diện chưa sâu sát, hiệu quả, chất lượng báo cáo chưa cao, công tác phối hợp bán vốn tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả chưa cao, tháo gỡ khó khăn tại các doanh nghiệp làm ăn yếu kém chưa hiệu quả…

Về công tác thoái vốn nhà nước - một trong những nhiệm vụ quan trọng của SCIC trong giai đoạn hiện nay, tuy bối cảnh thị trường không thuận lợi nhưng người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC đã phối hợp tốt với Tổng công ty xử lý các tồn tại, hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để bán vốn thành công. Năm 2017, Tổng công ty đã thực hiện bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 36 doanh nghiệp) với giá vốn 424 tỷ đồng, giá trị thu được là 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Đặc biệt, Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn thành công 3,33% số cổ phần tại Vinamilk với mức giá bình quân 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng, chênh lệch trên 8.700 tỷ đồng; tháng 3/2018 bán vốn thành công tại CTCP Nhựa Bình Minh thu về 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ đồng, chênh lệch 2.185 tỷ đồng. Kết quả đó phản ánh nỗ lực của SCIC và người đại diện trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao đồng thời với việc triển khai kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty.

Đại diện SCIC chia sẻ, bên cạnh những điểm tích cực, theo lãnh đạo SCIC, hoạt động của người đại diện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như có tình trạng người đại diện chưa hợp tác tốt với SCIC, không triển khai kịp thời các ý kiến của SCIC, không xin ý kiến hoặc có tính biểu quyết khác với ý kiến của SCIC; một số doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm, nhiều tồn tại tài chính, dẫn tới doanh nghiệp có khả năng không hoạt động liên tục (tính đến 31/8 còn 21 doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội cổ đông)…

Thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hoá các công ty TNHH MTV, đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã duyệt, nâng  cao năng lực điều hành cho người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực