Ngành chăn nuôi và xu hướng phát triển

Thứ sáu, 28/04/2017 09:25
(ĐCSVN) - Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của quá trình thay đổi cơ cấu tiêu thụ lương thực thực phẩm, cả về cơ cấu chi tiêu và cách thức mua sắm. Trong thập kỷ vừa qua, mức tiêu thụ thịt (nhất là thịt lợn), sữa và trứng đã tăng rất mạnh với tốc độ tăng nhanh hơn các nước trong khu vực. Mức tiêu thụ cá và các sản phẩm chế biến khác cũng tăng mạnh.

Một trang trại nuôi lợn ở Hà Tĩnh (Ảnh: Đ.H)

Thực tế này đã dẫn tới ngành chăn nuôi có cơ hội phát triển nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/10/2016, đàn bò có 5,5 triệu con, tăng 2,4%, riêng đàn bò sữa đạt 282,9 nghìn con, tăng 2,8%; đàn lợn có 29,1 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm có 361,7 triệu con, tăng 5,8%. Sản lượng thịt trâu đạt 86,6 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt bò đạt 308,6 nghìn tấn, tăng 3,1%; sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng 5%; sản lượng thịt gia cầm đạt 961,6 nghìn tấn, tăng 5,9%. Cùng với đà phát triển đó, quý I năm 2017, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục có bước phát triển; đàn bò tăng 1,5%-2,2%; đàn lợn tăng 1,5%-2,0%; đàn gia cầm tăng 3,2%-3,8%. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 3,6%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 4,3%;. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 5,3%.

Sự phát triển của ngành chăn nuôi cùng với việc thu nhập của người lao động tăng, dẫn đến thay đổi lớn trong cách chi tiêu. Theo một tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng chi tuyệt đối cho gạo giảm 4% trong khi chi cho thịt và sữa tăng gấp đôi. Thực tế cho thấy, từ xưa đến nay, gạo vẫn là lương thực chủ yếu của người Việt Nam. Cho đến năm 1996, gạo vẫn là nguồn cung cấp 70% năng lượng tiêu thụ. Chỉ có một số địa phương miền núi coi một số cây lương thực khác như: ngô, sắn là cây lương thực chính. Tính bình quân cả nước, lượng tiêu thụ gạo theo đầu người hàng năm đã tăng từ 109 kg năm 1990 lên trên 150 kg vào giữa những năm 2000 cùng với mức tăng sản xuất và thu nhập hộ gia đình. Nhưng kể từ năm 2008, xu thế này đã bị đảo ngược. Tại khu vực đô thị, chi tiêu cho gạo giảm từ 25% (2002) xuống còn khoảng 17,2%, trong khi chi cho sản phẩm chăn nuôi tăng từ 32,7% lên 37,8% trong cùng kỳ. Tại khu vực nông thôn, chi tiêu cho gạo giảm từ 38,9% xuống 25,4% và chi cho sản phẩm chăn nuôi tăng từ 23,4% lên 34%.

Có thể thấy, quá trình thay đổi khẩu phần ăn không chỉ diễn ra trong nhóm dân số giàu có. Trong tất cả các nhóm, trừ nhóm nghèo nhất, chi tiêu cho sản phẩm chăn nuôi đều cao hơn chi tiêu cho gạo. Tuy vậy, trong nhóm người nghèo cũng diễn ra một số thay đổi đáng kể. Năm 2002, nhóm nghèo nhất chi trên 48% tổng chi tiêu cho gạo và chỉ chi 18% cho sản phẩm thịt, 9% cho hải sản. Nhưng những năm gần đây, nhóm này cũng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng nhiều thực phẩm giàu protein, theo đó chỉ còn 33% cho gạo, 28% cho sản phẩm chăn nuôi và 11% cho hải sản.

Rõ ràng, xu hướng sử dụng thực phẩm giàu protein ngày càng cao, và như vậy, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở một số thời điểm, người chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn cho sản phẩm đầu ra. Chẳng hạn, thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, người nuôi bò sữa ở nhiều nơi đã phải đem sữa đi đổ, do gặp khó khăn về tiêu thụ. Hoặc những ngày gần đây, dư luận đang quan tâm đến việc thịt lợn hơi bị mất giá nghiêm trọng, làm cho người chăn nuôi không yên tâm sản xuất. Điều này cho thấy, quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi là vấn đề ngày càng quan trọng.

Chính sách lương thực cần tập trung hơn vào vấn đề dinh dưỡng thay vì sản lượng. Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được thành công ấn tượng trọng nỗ lực giảm tình trạng suy dinh dưỡng đối với trẻ em và toàn dân nói chung. Tuy vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa vẫn cao và một số nhóm dân cư khác cũng bị tình trạng thiếu dinh dưỡng. Các giải pháp để xử lý thách thức dinh dưỡng không chỉ dựa trên sản xuất thêm nhiều lúa gạo. Thay vào đó, cần có cách tiếp cận đa ngành nhằm nâng cao thu nhập, tăng cường sức khỏe.

Thay đổi cơ cấu tiêu thụ lương thực thực phẩm đòi hỏi cần tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và quản lý rủi ro chăn nuôi. Điều đó ngày càng trở nên quan trọng không chỉ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành kinh doanh nông nghiệp trong nước. Khi sử dụng thực phẩm chế biến, người ta không thể tự nếm hoặc dùng các công cụ cảm biến để đánh giá chất lượng và độ an toàn được nữa. Thay vào đó người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ một số thương hiệu mà họ tin tưởng. Khi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn nhưng lại không tin tưởng an toàn thực phẩm tươi hoặc thực phẩm chế biến trong nước thì họ sẽ quay sang thực phẩm nhập khẩu. Khi chuỗi giá trị trong nước bị thay thế bởi hàng nhập khẩu thì sự quay lưng lại của người tiêu dùng sẽ làm cho các nhà bán lẻ trong nước rất khó xây dựng liên kết với người sản xuất để có thể thay thế thực phẩm nhập khẩu. Và như vậy, ngành chăn nuôi trong nước rất dễ bị mất thị trường nội địa, gây khó khăn cho nông dân về đầu ra.

Để người tiêu dùng tin cậy sản phẩm chăn nuôi trong nước, nhiều phòng xét nghiệm công đã được nâng cấp. Hiện nay, Việt Nam đã có thể xét nghiệm vấn đề an toàn thực phẩm ở hầu hết các thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, công tác kiểm soát và xét nghiệm mới chỉ tập trung vào sản phẩm cuối cùng chứ chưa tập trung đủ mức vào các công đoạn đầu trong chuỗi giá trị như vật tư đầu vào.

Ở nhiều nơi, thu nhập tăng, đô thị hóa và thay đổi khẩu vị người tiêu dùng đã góp phần vào sự phát triển các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ quy mô lớn và các loại cửa hàng thực phẩm khác. Nhiều thay đổi đã diễn ra trong công đoạn mua thực phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và thực phẩm đúng quy cách về an toàn và chất lượng. Hầu hết người dân vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, nhưng tại các thành phố lớn, cách thức đi chợ đã bắt đầu thay đổi. Thực phẩm được bán tại các cửa hàng lớn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi không ngừng tăng, chiếm khoảng 15% tổng doanh số thực phẩm bán ra.

Nhu cầu thay đổi cũng dẫn đến thay đổi cơ cấu của các khâu trong chuỗi nông nghiệp. Tại nhiều nước có thu nhập trung bình, khi lượng và giá trị tiêu dùng cho lương thực thực phẩm dịch chuyển theo hướng tăng sản phẩm giá trị cao và thực phẩm chế biến thì tỷ trọng giá trị công đoạn sau thu hoạch cũng tăng và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP so với sản xuất nông nghiệp sơ cấp. Có thể gọi đây là sự chuyển đổi nông nghiệp - công nghiệp hoặc chuyển đổi ngành kinh doanh nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi này đã bắt đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chế biến thực phẩm trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ nên mức tăng doanh số thực phẩm gần đây chủ yếu đến từ thực phẩm nhập khẩu và các thương hiệu nước ngoài sản xuất tại Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá cao.

Do vậy, để hỗ trợ cho người chăn nuôi ổn định sản xuất, cần có cách thức thay đổi tác động lên thương mại nông nghiệp. Cần có cách nhìn mới về chiến lược phát triển nông nghiệp. Khi Việt Nam tiếp tục tự do hóa thương mại, một số tiểu ngành sẽ bị cạnh tranh khốc liệt nhưng về cơ bản, ngành nông nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Chăn nuôi Việt Nam hiện đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Những cơ hội lớn sẽ xuất hiện cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn cạnh tranh hiệu quả trên những thị trường này còn tùy thuộc vào khả năng của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp sản phẩm một cách đáng tin cậy, chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm, có bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng các quy trình sản xuất bền vững…

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực