Ngành điều Việt Nam tiếp tục giữ vị trí xuất khẩu hàng đầu

Thứ hai, 11/09/2017 14:14
(ĐCSVN) - Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), tới đây, đơn vị này sẽ tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và tiêu dùng nội địa các sản phẩm điều của Việt Nam; các chương trình sản xuất sạch hơn và phát triển bền vững...
Nếu mục tiêu 2017 thành công, đây sẽ năm thứ 12 ngành điều Việt giữ vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới (Ảnh: HNV)

Cũng theo Vinacas, trong 11 năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, với tỷ trọng khoảng 28% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu trong năm 2016.

Còn theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu được 348.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với năm 2015. Nếu gộp chung các sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều, cardanol...) thì năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều đạt trên 3,1 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2016, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu tới trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó Mỹ chiếm thị phần cao nhất (khoảng 35%), các quốc gia châu Âu và Anh Quốc (25%) và Trung Quốc (18%), còn lại là các quốc gia khác. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường quan trọng tăng mạnh như Israel (trên 50%), Đức (48%), Anh (23%) và Italia (19%).

Hiện, có khoảng 400 doanh nghiệp xuất khẩu điều, trong đó trên 50% thị phần xuất khẩu điều tập trung chủ yếu ở khoảng 30 doanh nghiệp.

Mới đây, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 quý đầu năm 2017 cả nước xuất khẩu 151.337 tấn hạt điều, thu về 1,47 tỷ USD (giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 21,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016); trong đó riêng tháng 6/2017, xuất khẩu 34.516 tấn, thu về 354,04 triệu USD (tăng 4,3% về lượng và tăng 7,4% về kim ngạch so với tháng 5). Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9.721 USD/tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ vẫn luôn duy trì là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại hạt điều của Việt Nam, chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, đạt 543,3 triệu USD (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2016). Thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 là Hà Lan  chiếm 15% trong kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, đạt 222,5 triệu USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 12%, đạt 177,2 triệu USD, tăng 11%.

Xét về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hạt điều trong 6 tháng đầu 2017, thì thấy hẩu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu hạt điều sang Bỉ tăng trưởng mạnh nhất 93%, đạt trên 9 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng tăng mạnh ở một số thị trường như: Nga (tăng 69,5%, đạt 23,5 triệu USD); New Zealand (tăng 32,4%, đạt 11,8 triệu USD); Ấn Độ (tăng 29%, đạt 17,3 triệu USD).

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hạt điều giảm mạnh ở các thị trường như: Hy Lạp (giảm 61,7%), Philippines (giảm 33,8%) và Pakistan (giảm 43,3%).

Trong khi đó, theo báo cáo thống kê ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 8/2017 ước đạt 206 nghìn tấn với giá trị đạt 415 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2017 khối lượng và giá trị nhập khẩu điều ước đạt 1,1 triệu tấn và 2,13 tỷ USD, tăng 55,9% về khối lượng và gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Ở chiều ngược lại, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 8 năm 2017 ước đạt 35 nghìn tấn với giá trị 351 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 223 nghìn tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,1% về khối lượng nhưng tăng 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt, năm 2020, diện tích trồng điều cả nước ổn định ở quy mô 300.000 ha; năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. Ở vùng trồng điều tập trung thuộc vùng trọng điểm đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng hạt điều khoảng 400.000 tấn. Tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 20%, chế biến dầu từ vỏ hạt điều đạt tỷ lệ 50%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu điều đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Đến năm 2030, toàn quốc tiếp tục ổn định diện tích trồng điều, tập trung thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cụ thể, đến 2030, năng suất điều bình quân cả nước đạt 2 tấn/ha; tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 40-50%, kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Vùng trồng điều trọng điểm, diện tích khoảng 200.000 ha ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Các vùng khác, khoảng 100.000 ha ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh.

Vinacas đặt kế hoạch trong năm 2017 sẽ xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 3 tỷ USD. Dự kiến, lượng điều thô nhập khẩu sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Với những diễn biến tích cực như đã nêu ở trên, tin rằng, mục tiêu đặt ra của Vinacas là hoàn toàn trong tầm tay. Cũng theo Vinacas, nếu kết quả xuất khẩu trong năm 2017 đạt được mục tiêu như nêu trên, thì đây sẽ là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực