Ngành giao thông vận tải đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thứ sáu, 29/03/2019 10:50
(ĐCSVN) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, hợp tác quốc tế của ngành giao thông vận tải tiếp tục được đẩy mạnh, đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành, cũng như công tác đối ngoại chung của đất nước.
Vận chuyển hàng hoá tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (Ảnh: Đ.H)

Để đẩy mạnh hành động hợp tác quốc tế, Bộ GTVT đã nghiêm túc quán triệt và triển khai tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc các nghị quyết, quy định, quy chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý các hoạt động đối ngoại; đã ban hành Quy chế về việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức và viên chức quản lý thuộc Bộ.

Việc quản lý đoàn ra, đoàn vào bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đoàn ra nước ngoài và đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm kinh phí.

Về hợp tác song phương, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong lĩnh vực GTVT với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng trong lĩnh vực GTVT như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Đức… và hợp tác GTVT với một số nước khác. Một mặt, tăng cường kết nối GTVT đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp GTVT Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài; mặt khác, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ phân công, đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác chung giữa Việt Nam với các nước.

Về hợp tác đa phương, Bộ đã tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GTVT tại các diễn đàn như: Hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức của Liên hợp quốc, hợp tác ASEAN40, hợp tác GTVT Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và một số cơ chế hợp tác đa phương khác như APEC, ASEM, OSJD… Đăng cai tổ chức và đảm nhiệm vai trò chủ tọa một số hội nghị quan trọng của ASEAN và GMS. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đầu mối trong công tác đàm phán, triển khai thực hiện các các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam tham gia.

Trong năm 2018, Bộ GTVT đã trình Chính phủ báo cáo và được Chủ tịch nước phê chuẩn 2 Điều ước quốc tế; thay mặt Chính phủ ký 07 điều ước quốc tế trong lĩnh vực GTVT và 1 thỏa thuận quốc tế cấp Chính phủ không phải là điều ước quốc tế, ký 2 Thỏa thuận quốc tế cấp Bộ. Đã phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức 15 hội nghị, hội thảo kỹ thuật, chuyên ngành GTVT.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, Bộ GTVT đã xác định đẩy mạnh việc thực hiện đầy đủ các cam kết trong lĩnh vực GTVT tại các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập. Trao đổi thống nhất với các nước đối tác và báo cáo Chính phủ cho phép ký 5 điều ước quốc tế trong lĩnh vực GTVT. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực GTVT. Tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ cho phép tiến hành đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực GTVT mang lại lợi ích thiết thực, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục củng cố, tăng cường kết nối GTVT với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc; tăng cường hợp tác song phương với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc; mở rộng quan hệ hợp tác GTVT với các nước thành viên ASEAN, Hoa Kỳ, các nước Châu Âu để tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, đầu tư và phát triển GTVT.

Tăng cường vai trò và vị thế của GTVT Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, trọng tâm là ASEAN và GMS. Đăng cai tổ chức và chủ trì thành công các Hội nghị Quan chức cấp cao giao thông vận tải ASEAN (STOM) lần thứ 47, 48 và Hội nghị Bộ trưởng giao thông vận tải ASEAN (ATM) lần thứ 25, Diễn đàn liên Chính phủ về giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12, Diễn đàn Tìm kiếm cứu nạn ASEAN... Tham gia sâu hơn vào hoạt động về GTVT tại các diễn đàn APEC, ASEM; hoạt động của các tổ chức quốc tế chuyên ngành giao thông vận tải Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO),... đặc biệt là tham dự các cuộc họp Đại hội đồng ICAO, IMO...

Đẩy mạnh kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nước có quan hệ truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB... vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại tại Việt Nam.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực