Nhiều chính sách ưu đãi cho tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn

Thứ ba, 21/02/2017 16:26
(ĐCSVN) – Trong thời gian qua , nông nghiệp - nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách tín dụng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp hiện vẫn rất thấp, so với các nhóm ngành khác. Vì vậy năm 2017 ngành ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)
Nhiều chính sách tín dụng hỗ chợ cho vay phát triển nông nghiệp 

Để ưu đãi tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Cụ thể, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để hướng dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp; Tạo điều kiện cho các Tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo số liệu của NHNN, tổng dư nợ tín dụng với nền kinh tế năm 2016 (tính đến thời điểm cuối tháng 11) là hơn 5,35 triệu tỷ đồng, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan quản lý phân loại tín dụng ra 4 nhóm chính gồm: nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản; nhóm công nghiệp và xây dựng; nhóm hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông; nhóm các hoạt động dịch vụ khác. Trong đó, tín dụng đối với các hoạt động dịch vụ khác tăng mạnh nhất, với 19,64%. Tín dụng đổ vào nông, lâm, thủy sản và thương mại, vận tải, viễn thông cùng mức tăng trưởng khoảng 16%. Xét về tỷ trọng, cho vay đối với các dịch vụ khác chiếm nhiều nhất, với khoảng 37%, tức 2 triệu tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng đáng chú ý với tỷ trọng khoảng 31% (hơn 1,67 triệu tỷ đồng), trong khi dư nợ đối với nhóm nông, lâm, thủy sản là lĩnh vực ưu tiên chú trọng lại chỉ chiếm khoảng 10%, với dư nợ 540.000 tỷ đồng.
Trong mấy năm trở lại đây, các ngân hàng cũng đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, an toàn vốn vay, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Rà soát và hoàn thiện hồ sơ tín dụng theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) ngay tại địa bàn của người vay thay vì phải đến trụ sở ngân hàng…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đã có nhiều chính sách để ưu đãi tập trung dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp nông thôn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để hướng dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp, áp sàn dư nợ tín dụng nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp vẫn rất thấp. 

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên thực tế, các Ngân hàng thương mại hiện nay hầu hết là các Ngân hàng cổ phần, và quyết định đầu tư của ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đầu tư của các cổ đông, những người luôn lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro nhất và có lợi nhuận nhất. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường được đánh giá là rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường,…), lợi nhuận thấp hơn các khu vực khác thì quyết định của các cổ đông ngân hàng hạn chế đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là điều dễ hiểu.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên dự nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn vẫn rất thấp. Tính đến hết năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 843.795 tỷ đồng, nhưng cũng mới chỉ chiếm tỷ trọng 18,12% tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Các sản phẩm tín dụng của các tổ chức tín dụng cung cấp cho khu vực nông thôn chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như cho vay theo món, cho vay hạn mức và cho vay tài trợ dự án. Các sản phẩm tín dụng chuyên biệt cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thường được nhắc đến chỉ gồm cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản. Hình thức cho vay qua tổ nhóm đôi khi còn mang tính hình thức, sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm không cao, và trách nhiệm của nhóm trưởng chủ yếu chỉ là đại diện. Xét về số lượng các loại hình dịch vụ sẵn có, chất lượng tiếp cận nhìn chung còn ở mức thấp.

Mặc khác, do chi phí hoạt động cao khi các ngân hàng cho vay món nhỏ lẻ tín dụng cho nông nghiệp, vì vậy, nếu không có số lượng chi nhánh rộng lớn thì một số các ngân hàng thương mại cũng ngại cho vay nông nghiệp, thường chỉ cho vay đoạn giữa và cuối là thu mua và chế biến sản phẩm. Vì vậy, nhu cầu tín dụng để đầu tư cho sản xuất ban đầu thực sự bất lợi.

Ông Thịnh cũng cho biết, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ của các hộ nông dân, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn đã đẩy mạnh hình thức cho vay theo tổ nhóm và hợp tác xã (HTX) để mở rộng quy mô từng khoản vay đồng thời nâng cao khả năng giảm sát, quản lí vốn vay và giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX được vay vốn tín dụng thời gian qua là rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 cả nước chỉ có 0,67% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng, và cũng chỉ có 2,25% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX.

Ngoài ra một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nay chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho nông nghiệp nông thôn cả số lượng và trình độ cán bộ tín dụng. Cùng với đó, các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu. Chủ yếu cho vay theo món, cho vay hạn mức, cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản, thời hạn và hạn mức vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp…. Bên cạnh đó, quy định mức trần lãi suất cho vay cố định và hạn chế tỷ lệ nợ xấu làm phát sinh nhiều thủ tục vay vốn. Đặc biệt, điều kiện, thủ tục vay vốn vẫn còn nhiều phức tạp. Chính sách tín dụng chưa tích hợp được với hệ thống chính sách khác ở nông nghiệp nông thôn (bảo hiểm, vốn hóa đất đai và thị trường lao động). 

Để khắc phục những tồn tại trên, theo các chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Để khắc phục cơ cấu vốn vay và khắc phục việc các ngân hàng thương mại không muốn cho vay khu vực nông nghiệp vì rủi ro thì Chính phủ nên có các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp chung và dài hạn, ủy thác vốn của các chương trình cho các ngân hàng thương mại tham gia. Chính phủ có thể hỗ trợ một phần lãi suất và phí thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp đối với một số nông sản chủ lực trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đặc biệt, cần tiếp tục đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn. Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn ngân hàng như: tài sản trên đất (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm,…. của hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp và hợp tác xã….

Năm 2017 nông nghiệp công nghệ cao sẽ được ưu tiên hỗ trợ tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2017 định hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng  đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động để cho các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay.


Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.

Cùng với đó, ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các công ty phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực