Nhiều nước mong muốn theo đuổi phương pháp tín đụng đặc thù của Việt Nam

Thứ tư, 05/09/2018 17:51
(ĐCSVN) – “Phương pháp tiếp cận độc đáo của NHCSXH đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới”.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo

Ông Prasun Kumar Das, Tổng Thư ký Hiệp hội các tổ chức tín dụng Châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: HNV)


Đó là khẳng định của ông Prasun Kumar Das, Tổng Thư ký Hiệp hội các tổ chức tín dụng Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) khi trả lời phỏng vấn báo chí về tài chính, tín dụng nông nghiệp, nông thôn bên lề Hội thảo quốc tế “Thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo - kinh nghiệm của Việt Nam” diễn ra ngày 5/9 tại Hà Nội.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, Hiệp hội các tổ chức tín dụng Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) đã đóng góp như thế nào đối với phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng?

Ông Prasun Kumar Das: APRACA thành lập năm 1977 là hiệp hội khu vực của các tổ chức tài chính phát triển có chung mong muốn tăng cường tiếp cận tài chính cho nông dân, ngư dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cộng đồng nông thôn thông qua hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực, tư vấn và chia sẻ kiến thức; APRACA cũng là tổ chức thành viên của một số hiệp hội toàn cầu khác (AFRACA, NENARACA, ALIDE and CICA) với chung mục đích đưa tài chính nông nghiệp nông thôn đến với những người nghèo khó nhất để đạt các mục tiêu thiên niên kỷ. Hiện nay APRACA có 83 tổ chức thành viên tại 24 nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 5 văn phòng (Thư ký tại Bangkok, Trung tâm đào tạo tại Manila, Dịch vụ tư vấn tại Jakarta, Xuất bản tại Mumbai và Trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh).

Về cơ bản, APRACA đóng góp vào sự phát triển của tín dụng nông nghiệp nông thôn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương  và Việt Nam chủ yếu thông qua 5 trụ cột hành động: (i) Đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách: Cung cấp những cơ hội đối thoại chính sách ở cấp quốc gia và khu vực về: (a) Quản trị rủi ro, (b) Nâng cao chất lượng tín dụng, (c) Tài trợ theo chuỗi giá trị, (d) Sản xuất lương thực trong thời kỳ biến đổi khí hậu, (e) Phát triển nông thôn “thông minh” và (f) tài trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; (ii) - Xây dựng năng lực và thể chế: (a) Tổ chức đào tạo/ hội nghị/ hội thảo, (b) Nghiên cứu thực địa/ chia sẻ kinh nghiệm; (c) Trợ giúp để nâng cao năng lực cho các tổ chức Tài chính vi mô; (d) Thiết kế các chương trình hỗ trợ kỹ thuật; (iii) - Triển khai các dự án: (a) Thiết kế và xúc tiến các dự án; (b) Triển khai dự án trên thực địa, (c) Giám sát và đánh giá dự án (d) Báo cáo và đánh giá; (iv) - Nghiên cứu phát triển và tư vấn: (a) Nghiên cứu chính sách; (b) Xây dựng các bộ tài liệu chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến và thông lệ tốt nhất, (c) Nghiên cứu thực địa để xây dựng những báo cáo riêng cho từng quốc gia (d) Nghiên cứu những hành động chính sách thành công để nhân rộng hoặc thử nghiệm mới; (v) - Quản lý kiến thức chung: (a) Phát hành các ấn phẩm về nghiên cứu và kỹ thuật, (b) Quản lý và cung cấp các nguồn tư liệu; (c) Phổ biến kiến thức thông qua website và đào tạo trực tuyến, (d) Chia sẻ và trao đổi thư viện trực tuyến.

Nụ cười của người vay vốn tín dụng chính sách (Ảnh: PV)

Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào phát triển tài chính nông nghiệp nông thôn để mang lại sự phát triển toàn diện trên toàn quốc và đã tuân thủ các nguyên tắc của các mục tiêu phát triển bền vững  của Liên Hợp quốc. APRACA đang hỗ trợ hai ngân hàng (VBSP and VBARD) xây dựng năng lực để đạt các mục tiêu đó thông qua trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức khác, thông qua thăm quan các mô hình thành công nhất và đào tạo cán bộ. APRACA cũng hỗ trợ hai tổ chức thành viên ở Việt Nam để xây dựng các thể chế ở nông thôn nhằm cung cấp tín dụng cần thiết cho việc phát triển và khởi nghiệp. APRACA cam kết ủng hộ mọi sáng kiến ở Việt Nam để cải thiện dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ những cộng đồng đang sống phụ thuộc vào thời tiết ở đất nước này.

PV: Vậy ông nhận định thế nào về "phương pháp cung cấp tín dụng đặc thù" mà Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đang áp dụng ở Việt Nam?

Ông Prasun Kumar Das: Có thể thấy, NHCSXH Việt Nam là tổ chức chiếm ưu thế nổi bật trong cung cấp tín dụng vi mô với khoảng 6.7 triệu người vay vi mô và gần 7 triệu người gửi tiết kiệm thường xuyên tính tới tháng 6 năm 2018. Thị phần của ngân hàng trong lĩnh vực tài chính vi mô chiếm khoảng 80% về lượng khách hàng và khoảng 70% về dư nợ. Với gần 7 triệu người gửi tiết kiệm thường xuyên, VBSP đang là tổ chức có khả năng huy động tiết kiệm hiệu quả nhất trong số các đơn vị chủ chốt cung cấp dịch vụ tài chính vi mô với 70% thị phần. Điều này có được nhờ vào phương pháp tiếp cận khách hàng rất đặc thù của NHCSXH.

Qua theo dõi việc triển khai tín dụng chính sách của các bạn, tôi thấy phương pháp tiếp cận độc đáo của NHCSXH đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới. Theo tôi, thành tựu này đạt được thông qua việc NHCSXH có độ tiếp cận sâu rộng đến 6,7 triệu khách hàng nhờ sự kết hợp giữa việc tập trung hướng tới nhóm đối tượng khách hàng vay chính sách kết hợp với việc cung cấp tín dụng “tại chỗ” với độ bao phủ gần 11.000 xã thông qua mạng lưới điểm giao dịch cấp xã, có nhóm nhân viên của NHCSXH đến giao dịch hàng tháng. Thêm vào đó, cách thức triển khai của các bạn có chi phí cung cấp tín dụng thấp, việc thu nợ và xử lý nợ xấu của khách hàng được thực hiện thông qua: duy trì họp hàng tháng của trên 180.000 tổ tín dụng tiết kiệm; sự hỗ trợ có trả phí cho các tổ chức đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền, đào tạo khách hàng, thành lập nhóm cũng như hoạt động thu lãi.

Không thể nghi ngờ về vai trò của NHCSXH trong xóa đói giảm nghèo là rất đáng kể, nhưng cũng phải kể đến nỗ lực của Chương trình xóa đói giảm nghèo tổng thể của Chính phủ. Bởi vì bên cạnh NHCSXH, còn phải kể đến “cách thức Việt Nam” của Chính phủ theo đuổi một cách kiên định và thống nhất chương trình này là lý do chính của một trong những thành tựu xóa đói giảm nghèo nhanh nhất khu vực.

PV: Với tư cách Tổng thư ký hiệp hội APRACA  ông đánh giá thế nào về vai trò của NHCSXH trong tiến trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Việt Nam, APRACA có thể rút ra bài học gì để phổ biến cho các thành viên hiệp hội?

Ông Prasun Kumar Das: Về mặt tích cực, NHCSXH đã tạo ra một hệ thống cung cấp tín dụng và thu nợ hiệu quả, làm giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và bản thân ngân hàng đồng thời đạt được mức độ bao phủ ấn tượng đến tận cấp xã.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, ngân hàng đã phối hợp với UBND địa phương và các tổ chức đoàn thể từ cấp Trung ương đến địa phương. Qua các báo cáo cho thấy rõ ràng rằng việc lựa chọn khách hàng tương đối minh bạch và tỷ lệ thất thoát dường như chỉ là ngoại lệ chứ không phải phổ biến. Trên nhiều phương diện, hoạt động của NHCSXH phản ánh “cách thức Việt Nam” độc đáo của việc theo đuổi một chính sách dành riêng, kiên định và gắn kết từ cấp quốc gia đến cấp xã để đạt được các mục tiêu đề ra một cách nhất quán - một thành tựu mà nhiều nước trong khu vực chỉ có thể ngưỡng mộ, thậm chí "ghen tỵ" với cách mà các bạn đang triển khai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực