Nhìn nhận về chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc

Thứ năm, 18/06/2015 14:02
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến sự việc chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhìn nhận về vấn đề này, Tổng cục Thống kê cho rằng, chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Trung Quốc và các đối tác là vấn đề phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Theo Tổng cục Thống kê, số liệu thống kê xuất nhập khẩu năm 2014 của Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch ở mức khá cao. Có nhiều lý giải khác nhau về nguyên nhân. Nhưng để nhìn nhận toàn diện, khách quan, cần xem xét nhiều yếu tố liên quan đến phương pháp thống kê, sự chênh lệch số liệu của Việt Nam và Trung Quốc với các đối tác khác như thế nào thông qua việc phân tích, so sánh các số liệu từ nguồn số liệu của thống kê Việt Nam và thống kê Liên hợp quốc (UN-COMTRADE)   

Chuẩn mực thống kê của Việt Nam

Thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam tổng hợp theo khuyến nghị của Cơ quan thống kê Liên hợp quốc (UNSD), phiên bản năm 2010 (gọi tắt là IMTS 2010) từ nguồn số liệu chính là tờ khai hải quan do Tổng cục Hải quan thu thập, tổng hợp và báo cáo Tổng cục Thống kê. Phạm vi thống kê bao gồm các hàng hóa mua bán thông thường, đưa ra - vào lãnh thổ kinh tế của Việt Nam, không bao gồm hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa qua Việt Nam. Xuất khẩu được tinh theo giá FOB (free on board) là giá giao hàng tại biên giới Việt Nam. Nhập khẩu được tính theo giá CIF (cost, insurance and freight) bao gồm giá của hàng hóa, chi phí vận tải, bảo hiểm hàng hóa về đến biên giới Việt nam

 
 Vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Lạng Sơn
(Ảnh: Đ.H)

Về nước đối tác, xuất khẩu hàng hóa tính theo “nước cuối cùng hàng đến” - nước mà tại thời điểm khai hải quan, người xuất khẩu biết được hàng sẽ được chở đến đó để bốc dỡ, không tính nước mà hàng hóa trung chuyển. Nhập khẩu hàng hóa tính theo “nước xuất xứ” - nước mà tại đó hàng hóa được nuôi trồng, khai thác, sản xuất hoặc chế biến, theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu. Cần lưu ý là quy tắc xuất xứ của từng nước có khác nhau

Chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu

Về lý thuyết, Tổng cục Thống kê cho rằng, so sánh số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện theo “phương pháp tấm gương” (mirror approach), xuất khẩu của nước A sẽ phải tương ứng với nhập khẩu của nước B từ nước A. Tuy vậy, trường hợp này rất hiếm do sự khác biệt về thời điểm, phạm vi, trị giá thống kê và nước đối tác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hoạt động gia công, mua đi bán lại hàng hóa giữa các nước phát triển mạnh thì chênh lệch số liệu ngày càng lớn, ngay cả khi các nước cùng áp dụng thống nhất phương pháp thống kê. Số liệu của Việt Nam và Trung Quốc cũng như vậy.

Chẳng hạn, năm 2014, số xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD tương đương 33%. Nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ USD tương đương 46% trong khi chênh lệch với các đối tác khác không nhiều. Đáng lưu ý là với nhóm các nước phát triển số liệu của Việt Nam chênh không đáng kể. Riêng Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapo thì chênh lệch với Việt Nam khá lớn, đặc biệt là Hồng Kông. Đây là hai “cảng tự do”, luồng hàng gia công, mua bán chuyển khẩu với Trung Quốc khá lớn

Theo số liệu từ UN-COMTRAE cho thấy, thống kê Trung Quốc chênh lệch khá nhiều với các nước. Chẳng hạn, mức chênh lệch giữa Trung Quốc với 5 đối tác ASEAN – là các đối tác không có chung đường biên giới với Trung Quốc – cũng khá lớn và ngày càng tăng, tương tự Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu của Trung Quốc sang các đối tác cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc: Malaixia 12 tỷ USD, tương đương 27%, Inđônêxia 7,1 tỷ USD, tương đương 19%, Philipin 11,3 tỷ USD, tương đương 57%. Nhập khẩu của Trung Quốc cao hơn xuất khẩu của Thái Lan 11,3 tỷ USD, tương đương 30%, Malaixia 29,4 tỷ USD, tương đương 49%, Inđônêxia 8,8 tỷ USD, tương đương 28%, Philipin 11,6 tỷ USD, tương đương 63%

Với đối tác đặc thù và đối tác là nước phát triển, số liệu của Trung Quốc cũng rất chênh lệch nhưng theo 2 xu hướng ngược nhau:

Với Hồng Kông, xuất khẩu của Trung Quốc cao hơn nhập khẩu của Hồng Kông (đáng lưu ý là Hồng Kông thống kê nhập khẩu theo nước gửi hàng), phản ánh thực tế về luồng hàng gia công, mua bán gửi từ Trung Quốc sang đặc khu Hồng Kông rất lớn, vì Hồng Kông là cảng tự do, chủ yếu mua hàng của Trung Quốc để bán lại cho nước khác. Nhập khẩu của Trung Quốc thấp hơn rất nhiều so với xuất khẩu của Hồng Kông vì chỉ một số ít hàng hóa đó có xuất xứ Hồng Kông, điều này cũng phản ánh luồng hàng lớn được gửi từ Hồng Kông sang Trung Quốc.

Với các đối tác khác, xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với nhập khẩu của đối tác từ Trung Quốc. Số liệu năm 2013 với Nhật Bản tương đương 30%, Mỹ 25%, Pháp 101%, Ôxtrâylia trên 20%, Đức 25%..... chứng tỏ hàng hóa Trung Quốc trước khi đi vào các đối tác đó đã đến nước thứ 3, nhưng các đối tác thống kê với xuất xứ Trung Quốc. Với nhập khẩu, số liệu của Trung Quốc cao hơn xuất khẩu của đối tác: Nhật Bản tương đương 33%, Mỹ 21%, Pháp 15%, Ôxtraylia 12%, chứng tỏ Trung Quốc mua hàng có xuất xứ từ các đối tác này qua nước thứ 3. Việc chênh lệch số liệu lớn với các nước do áp dụng quy tắc xuất xứ khác nhau, hàng tái xuất và sự lẫn lộn trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ được chính Trung Quốc đề cập trong báo cáo tại một số hội nghị quốc tế về thống kê.

Lý giải về chênh lệch

Lý giải nguyên nhân chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu với các đối tác lớn thường được nhiều nước thực hiện bằng cách phối hợp rà soát số liệu. Ví dụ trường hợp của Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thấp hơn nhiều so với nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và Mỹ thường xuyên thâm hụt lớn trong thương mại với Trung Quốc. Năm 2000 mức chênh lên tới gần 50 tỷ USD tương đương 50%. Năm 2008, Mỹ và Trung Quốc thành lập một Ủy ban rà soát để phân tích và lượng hóa từng nhóm nguyên nhân: Nhóm nguyên về phương pháp: sự khác nhau về thời điểm, phạm vi thống kê, nước đối tác, xác định trị giá, tỷ giá... của 2 nước; Nhóm nguyên nhân đối với luồng hàng hóa giao dịch trực tiếp giữa 2 nước: sau sản xuất, doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm cho nước thứ 3, nước thứ 3 bán cho Mỹ, nhưng xuất xứ hàng hóa vẫn được Mỹ ghi nhận là Trung Quốc; Nhóm nguyên nhân đối với luồng hàng hóa thuộc giao dịch gián tiếp giữa 2 nước có liên quan đến Hồng Kông đóng vai trò quan trọng nhất vì rất nhiều hàng hóa của Trung Quốc đã vào Hồng Kông trước khi sang Mỹ, tại đó hàng hóa được gia công sơ, đóng gói... để xuất sang Mỹ. Các hàng hóa này vẫn được Mỹ ghi nhận xuất xứ từ Trung Quốc. Đây được coi là nguyên nhân lớn nhất đóng góp vào chênh lệch về số liệu

Về chênh lệch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, số liệu của Việt Nam năm 2014 thấp hơn 5 tỷ USD so với nhập khẩu của Trung Quốc. So sánh số liệu 2 nước theo danh mục hồ sơ cho thấy, chênh lệch thể hiện chủ yếu ở nhóm hàng hóa thuộc chương 85 “Máy móc, thiết bị điện và các bộ phận của chúng” với 5,5 tỷ USD, trong đó tập trung lớn nhất vào nhóm hàng điện tử, điện thoại là nhóm hàng Việt Nam gia công, lắp ráp là chủ yếu. Nguyên nhân là do hàng Việt Nam sau khi sản xuất được chuyển đến một nước thứ 3 và Trung Quốc nhập khẩu các hàng hóa này từ nước thứ 3 với xuất xứ Việt Nam. Với nhóm hàng khoáng sản (chương 25, 26 và 27), chênh lệch tổng số không nhiều, nhưng riêng chương 26 (quặng, xỉ và tro) chênh lệch khoảng gần 400 triệu USD.

Về nhập khẩu, nhiều nhóm hàng, hồ sơ có chênh lệch, trong đó lớn nhất là các nhóm hàng có liên quan đến cả tiêu dùng và sản xuất, gia công như dệt may, giày dép (bao gồm quần áo, giày dép thành phẩm, vải may mặc, bông, xơ sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may, da giày), máy móc, thiết bị, xe cộ... với chênh lệch khoảng 12,5 tỷ USD, chiếm trên 60%. Một số nhóm hàng tiêu dùng chênh khá lớn gồm: rau quả các loại (1,6 tỷ USD), giường tủ bàn ghế, đồ gốm sứ, đồ dùng gia đình bằng kim loại...

Từ những so sánh, phân tích trên và thực tế thị trường Việt Nam, có thể lý giải chênh lệch số liệu nhập khẩu của Việt Nam và xuất khẩu củaTrung Quốc là do một số nguyên nhân sau:

Một là sự khác biệt phương pháp thống kê nước đối tác. Vì xuất khẩu thống kê theo “nước cuối cùng hàng đến” nên trường hợp hàng Trung Quốc - bao gồm hàng xuất xứ Trung Quốc hoặc xuất xứ nước khác - đưa sang Việt Nam được Trung Quốc thống kê là xuất cho Việt Nam trong khi Việt Nam chỉ thống kê những hàng hóa có xuất xứ Trung quốc, các hàng hóa có xuất xứ nước khác được thống kê là nhập khẩu từ nước khác.

Hai là do phạm vi thống kê. Một số luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thuộc phạm vi thống kê, như: hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh hoặc chuyển khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông. Năm 2014, nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu của Hồng Kông. Do lợi thế về khoảng cách gần giữa Việt Nam - Hồng Kông, luồng hàng giữa Trung Quốc và Hồng Kông có thể được vận chuyển qua Việt Nam với thủ tục về tạm nhập tái xuất, quá cảnh hoặc chuyển khẩu. Việt Nam không thống kê nhưng Trung Quốc và Hồng Kông thống kê là xuất khẩu với nước hàng đến là Việt Nam.

Ba là do xác định trị giá thống kê khác nhau. Hai nước cùng áp dụng nguyên tắc xác định trị giá hải quan nhưng với một số trường hợp, hải quan Trung Quốc và Việt Nam có thể xác định trị giá lô hàng cao thấp khác nhau.  

Bốn là hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam. Cũng như hầu hết các nước hàng nhập khẩu lậu không nằm trong phạm vi thống kê của Việt Nam. Với biên giới đường bộ dài, khó kiểm soát, hàng hóa được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, cư dân biên giới như rau quả, quần áo và trang phục, giày dép, đồ dùng gia đình.... Nếu phía Trung Quốc kiểm soát tốt hoạt động này bên kia biên giới thì hàng hóa được tính trong xuất khẩu của Trung Quốc nhưng không nằm trong thống kê nhập khẩu của Việt Nam. Có một vài nước thực hiện ước tính con số này trong số nhiều “hoạt động kinh tế ngầm”.

Năm là do gian lận thương mại. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế, đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp. Ngược lại các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ cao.

Sáu là sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê. Một số sản phẩm có thể được Việt Nam tính vào dịch vụ nhưng Trung Quốc coi là hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến công nghệ thông tin như phần mềm, trò chơi điện tử vốn được lưu giữ trên băng, đĩa mềm. Trong nhiều trường hợp ranh giới phân biệt không rõ ràng nếu người khai hải quan không mô tả rõ.

 Như vậy, để lượng hóa được các nguyên nhân, kinh nghiệm các nước cho thấy cần có sự phối hợp rà soát, phân tích số liệu một cách chi tiết giữa hai bên như các nước đã thực hiện. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam cũng đã tiến hành rà soát song phương số liệu với Malaixia và Inđônêxia tháng 9/2012. Vì Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, tuyến biên giới đường bộ dài nên cần đề xuất thành lập nhóm công tác do hải quan hai nước phối hợp, có sự tham gia của các ngành liên quan để thực hiện rà soát số liệu, chính sách thương mại… để hiểu rõ hơn về nội hàm số liệu thống kê và sử dụng cho các mục tiêu lập chính sách, đầu tư, nghiên cứu, đồng thời có các biện pháp hiệu quả trong việc quản lý các luồng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc, kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại và các chính sách có liên quan khác. Đây cũng là dịp để kiểm tra, nâng cao chất lượng số liệu thống kê quốc gia, phục vụ điều hành, quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực