Những vấn đề đang đặt ra đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ bảy, 10/02/2018 21:10
(ĐCSVN) - Quá trình Đổi mới ở Việt Nam diễn ra một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới về lĩnh vực kinh tế, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam phát triển nhanh.

 

Ảnh minh hoạ (Ảnh: báo Hà nội mới)


I/ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sau 30 năm Đổi mới

1/ Kết quả chủ yếu

1.1/ Quá trình Đổi mới ở Việt Nam diễn ra một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới về lĩnh vực kinh tế, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam phát triển nhanh. Kết quả đó được thể hiện trên những mặt chính sau:

- Về số lượng Doanh nghiệp (DN) đăng ký và hoạt động,  tăng hơn 4 lần từ 147.000 doanh nghiệp năm 2007 đã tăng lên 500.000 DN vào cuối năm 2015. Trong tổng số DN đăng ký và hoạt động, thì DNNVV chiếm khoảng 97% (trong đó 73% là DN siêu nhỏ, 25% là DN nhỏ và 2% là DN vừa), tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2007-2014 là trên 10%/năm.

- Quy mô nguồn vốn của DN tăng 1,7 lần. Tổng nguồn vốn của các DN trong nền kinh tế tăng từ 4,8 triệu tỷ đồng vào năm 2007 lên 22 triệu tỷ đồng vào năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 24,3%/năm. Bình quân 01 DN có mức vốn 6,1 tỷ đồng và có số lao động đạt khoảng 15 người/DN.

- Về doanh thu giai đoạn từ 2007-2014 tăng 4,1 lần từ 3,5 triệu tỷ đồng lên 14 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng doanh thu bình quân trong giai đoạn này là 22,0%/năm.

- Do số lượng và quy mô DNNVV tăng nhanh, nên hàng năm các DNNVV đóng góp gần 40% GDP và 30% giá trị hàng xuất khẩu. Năm 2014 mức đóng góp tương ứng là: 43,2% và 31%.

- Tính chung giai đoạn 2007-2014, hàng năm các DNNVV đóng góp 33% vào các khoản thu ngân sách nhà nước.

- Tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trong giai đoạn từ 2010-2013, chiếm 45% tổng số việc làm trong khối các DN và chiếm gần 10% tổng số lực lượng lao động của cả nước (tuy nhiên từ năm 2014-2016 khả năng thu hút lao động bị hạn chế do khủng hoảng kinh tế). Thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong các DNNVV cũng có xu hướng tăng, từ bình quân 42 triệu đồng/năm/lao động năm 2010, lên 46 triệu đồng/năm vào năm 2011 và năm 2015 là 60 triệu/lao động (bình quân 5 triệu đồng/tháng).

1.2/ Tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần thực hiện chủ trương an sinh xã hội của Chính phủ và của các tổ chức xã hội khác (có thể đây là một trong những nhiệm vụ mang tính đặc trưng, riêng có của các DNNVV Việt Nam, bởi thông thường các doanh nghiệp chỉ quan tâm và đặt mục tiêu là phát triển kinh tế, theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, ít hoặc không quan tâm đến các vấn đề xã hội).

Nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa sâu sắc của công tác xã hội từ thiện nhân đạo, nên hàng năm bằng nhiều hình thức khác nhau các DNNVV đã quyên góp xây dựng các quỹ hàng trăm tỷ đồng, sửa chữa và xây dựng mới hàng trăm căn nhà tình nghĩa...

Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết quả đạt được là các DNNVV Việt Nam đã góp phần làm cho hàng Việt ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã không ngừng được cải tiến, giá cả phù hợp..., được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm (hiện người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tính chung cho các mặt hàng đã chiếm gần 90% – nhất là đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đồ uống, hàng may mặc, giầy dép...).

1.3/Tích cực tham gia vào việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách, nhằm làm cho các cơ chế chính sách ngày càng phù hợp hơn với tình hình thực tế, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hàng năm Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Tỉnh, Thành hội đã tham gia xây dựng và phản biện hàng trăm loại văn bản của Trung ương và địa phương có liên quan đến hoạt động của DNNVV.         

2/ Khó khăn, vướng mắc

Một là, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu.

Trong những năm qua, các DNNVV phát triển khá nhanh về mặt số lượng, song chưa được chú ý về mặt chất lượng. Việc chưa chuẩn bị kỹ về chất biểu hiện là: Quy mô DN nhỏ (theo thống kê năm 2014, trong tổng số trên 97% DN đăng ký hoạt động thì có đến gần 98% là DN nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2% là quy mô vừa) vốn ít song khả năng huy động lại không có, công nghệ lạc hậu (có tới 52% số DN có quy trình công nghệ lạc hậu và rất lạc hậu), trình độ quản lý thấp, lao động hầu hết là lao động thủ công chưa qua đào tạo...), nên các DN rất rễ bị tổn thương, hạn chế về khả năng cạnh tranh trên thị trường, số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải ngừng hoạt động vẫn còn lớn.

Hai là, thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh.

- Những năm qua lạm phát được kiềm chế và và lãi xuất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm..., tuy nhiên cho vay để phát triển sản xuất vẫn còn cao (trên dưới 10%/năm), thủ tục vẫn rất phức tạp – nhất là những vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp, xử lý nợ xấu....,  nên chưa đáp ứng được nguồn vốn cho các DN hoạt động.

- Các Quỹ bảo lãnh tín dụng (ra đời theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ) hoạt động cũng rất hạn chế, do trở ngại ở thủ tục thẩm định, phê duyệt bảo lãnh không khác gì so với các Ngân hàng thương mại vẫn đang thẩm định khi xem xét cho vay đối với khách hàng thông thường khác.

Ba là, khó khăn trong tiếp cận thị trường – nhất là thị trường xuất khẩu.

Hiện tại hầu hết các DNNVV rất thiếu thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu, trong đó tập trung ở 02 vấn đề:

- Thiếu hiểu biết về nội dung của các Hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ đã ký với các nước và các tổ chức Quốc tế (trong đó có các Hiệp định miễn giảm thuế quan, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP).

- Biết rất ít về những thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ - nhất là những thông tin về thuế xuất, luật pháp, nhu cầu, giá cả... của nước nhập khẩu và trình tự, thủ tục,  đầu mối giải quyết những nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu.

 

Bốn là, thiếu mặt bằng cho sản xuất kinh doanh.

Hiện các DNNVV rất khó tiếp cận mặt bằng để sản xuất kinh doanh, do thủ tục chậm được cải tiến và nhất là giá thuê đất tăng cao (năm 2016 tăng từ 4-5 lần so với năm 2015).

Năm là, chi phí sản xuất có xu hướng tăng.

- Về tiền lương và bảo hiểm xã hội tăng

Hiện các DN và người lao động phải đóng tổng cộng 35 %/tổng quỹ lương, bao gồm 32 % đóng góp cho các quỹ và 3 % cho phí công đoàn, trong đó: DN phải trích nộp 23,5 % và người lao động phải đóng 11,5% (đối với nơi có tổ chức công đoàn hoạt động, người lao động phải nộp 1% phí công đoàn). Với mức đóng như vậy là quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng chịu đựng của các DN.

- Các doanh nghiệp sẽ phải tăng chi đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới thiết bị quy trình công nghệ... nhằm nâng cao năng xuất lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đáp ứng yêu cầu của những cam kết Chính phủ đã ký với các tổ chức quốc tế và đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe do Chính phủ đề ra. 

II/Những vấn đề lớn đang đặt ra

1/Về cơ chế, chính sách

- Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách trong thực tiễn còn chậm và yếu, chính sách thiếu ổn định, phải điều chỉnh bổ sung nhiều, vì vậy đã làm mất cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Chưa có chính sách riêng, hoặc chính sách đã có nhưng còn phân tán, không còn tính khả thi cho khu vực DNNVV phát triển (Luật Hỗ trợ phát triển DNNVV đã được Quốc hội phê duyệt, nhưng đến 01/01/2018 mới có hiệu lực).

Trong nhiều năm qua, dường như nhà nước mới chỉ chú trọng tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (trải thảm đỏ để mời gọi nhà đầu tư), mà thiếu những chính sách, chương trình cụ thể để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thực tế ở nhiều địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được hưởng nhiều ưu đãi hơn các doang nghiệp trong nước (trong đó chủ yếu là các DN siêu nhỏ và các DNNVV) như về tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư.... Chính vì vậy, vô hình chung đã khuyến khích hướng sản xuất trong nước vào công đoạn gia công và lắp ráp, mà thiếu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khâu sản xuất sản phẩm và tạo lập thương hiệu cho riêng mình.

2/Chưa xây dựng được những mặt hàng chủ lực, những thương hiệu lớn, có uy tín để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, trong suốt 30 năm qua, nhìn chung Chính phủ chưa xây dựng được những mặt hàng chủ lực có tính biểu tượng quốc gia, có uy tín và sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Một số thương hiệu có uy tín hiện nay (như rượu, bia, sản phẩm may mặc, bánh kẹo) là được tạo lập từ trước khi Đổi mới, một số thương hiệu có được tạo lập sau Đổi mới, nhưng còn ít. Hiện sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp và khai thác khoáng sản.

3/ Chưa tạo lập được sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các các tổ chức với các doanh nghiệp. Tính dẫn dắt, lôi kéo của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có thực lực, có uy tín đối với các DNNVV hiện chưa có và nếu có thì tính liên kết đó cũng rất yếu và chưa thực sự bền vững.

Thực tế cho thấy chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa đối với một số sản phẩm chưa đạt được mục tiêu đã đề ra (trong đó có những sản phẩm được kỳ vọng như ô tô, xe máy, hàng điện tử). Các DNNVV hầu như không tham gia được vào chuỗi giá trị sản phẩm, một số mặt hàng có tham gia nhưng tỷ lệ rất thấp, không đáng kể và giá trị tham gia không cao.

4/ Mâu thuẫn giữa phạm vi, tốc độ mở cửa hội nhập với chuẩn bị những điều kiện cần thiết bên trong đã bộc lộ khá rõ trong khu vực doanh nghiệp.

Việc Chính phủ ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước và với các tổ chức quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho DNNVV, tuy nhiên việc tuyên truyền nội dung các Hiệp định cũng như xây dựng những định hướng, những khuyến cáo để các doanh nghiệp chuẩn bị (nhất là chuẩn bị nắm bắt những cơ hội và đối phó với những thách thức sẽ đặt ra) chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm.

5/Điều kiện về phương diện thể chế cho phát triển doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Năng lực thực thi công vụ và tinh thần trách nhiệm của không ít các tổ chức và nhân viên thực thi công quyền hiện đông nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đã và sẽ đặt ra. Điều đó biểu hiện: Các dự án Luật chậm được đưa vào thực hiện, phải điều chỉnh bổ sung nhiều, thiếu sự phối hợp trong triển khai thực hiện và đánh giá tác động của các chính sách giũa các bộ/ngành và các địa phương với nhau.

III/ Định hướng phát triển DNNVV đến năm 2020

1/Thực hiện các chỉ tiêu về phát triển DNNVV đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ, cụ thể:

- Đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

- Khu vực tư nhân (DNNVV là chủ yếu) đóng góp 48-49% GDP, 49% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

- Năng xuất lao động xã hội của các DNNVV tăng khoảng 5%/năm.

- Hàng năm có khoảng 30-35% DN có đổi mới sáng tạo.

- Tổ chức và vận hành các mô hình: Vườn ươm doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp...

2/Triển khai các Chương trình hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNVV, bao gồm 06 Chương trình lớn (Nhằm cụ thể hóa Luật hỗ trợ DNNVV).

2.1) Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.

2.2) Chương trình hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

2.3) Chương trình hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.

2.4) Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

2.5) Chương trình hỗ trợ hội nhập.

2.6) Các Chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ được xác định trong từng thời kỳ.

3 / Thực hiện các nội dung có liên quan khác (Hiệp hội đề xuất Chính phủ và các Bộ đưa vào Kế hoạch để thực hiện giai đoạn 2016-2020).

- Kiện toàn, đổi mới nội dung cũng như phương thức hoạt động của Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV Quốc gia.

- Tăng quy mô hoạt động của Quỹ hỗ trợ DNNVV, phát triển các Quỹ hỗ trợ DNNVV tại các Tỉnh/thành phố.

- Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình hoạt động của DNNVV hiện nay trên phạm vi cả nước.

- Tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV.

- Xây dựng mạng lưới và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

- Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức hội có liên quan đến hoạt động của DNNVV (trong đó có việc nâng cao năng lực hoạt động cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nhằm thực hiện tốt chức năng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp).

4/ Triển khai các kế hoạch hoạt động của Hiệp hội DNNVV Việt Nam.

4.1) Triển khai xây dựng các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hiệp hội tại Chỉ thị số 26/CT- TTg ngày 06.6.2017, bao gồm:

- Giải pháp huy động nguồn lực trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

- Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

- Giải pháp gắn kết, thúc đẩy doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

4.2) Mở rộng và nâng cao hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho DNNVV (nhất là các nội dung về thành lập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, tiếp cận các chính sách...).

4.3) Thường xuyên cập nhật thông tin về những khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị từ phía các DNNVV để kịp thời có những đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xem xét giải quyết.

4.4) Trực tiếp thực hiện hoặc tham gia phối hợp thực hiện các chương trình của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có liên quan đến DNNVV.

4.5) Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động đối ngoại để phát triển mạnh mẽ hơn, thực chất hơn quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trong đó có các nội dung về: Đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và đầu tư, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng lao động, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hội và hội nhập kinh tế thế giới...

4.6) Thực hiện các chương trình, dự án có liên quan khác.

Có thể nói chưa bao giờ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và xã hội giành nhiều sự quan tâm đến các DN như hiện nay. Điều đó được thể hiện rất rõ ở Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), ở việc Quốc hội vừa mới phê duyệt Luật Hỗ trợ DNNVV, ở việc Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (như Nghị quyết số 35/NQ-CP, các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg...).

Nhận thức rằng, đây là cơ hội rất lớn giành cho cộng đồng các doanh nghiệp và cho các tổ chức hội, vấn đề đặt ra hiện nay là các Bộ, ngành, địa phương cần sớm cụ thể hóa để đưa các chủ trương, các chính sách vào thực tiễn, là việc các doanh nghiệp phải chủ động tự khắc phục khó khăn để vươn lên trong sản xuất kinh doanh...

 

TS. Nguyễn Văn Thân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực