Nỗ lực tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh

Thứ tư, 25/10/2017 14:02
ĐCSVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV ngày 23/10 trước Quốc hội cho biết, sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước”.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 (sau đây gọi là Luật Cạnh tranh năm 2004) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2005. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Vì thế, Luật Cạnh tranh có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế thị trường ở nước ta. Song sau 12 năm ra đời và tồn tại, Luật Cạnh tranh 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập.

Như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa tin, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ đọc tờ trình sửa đổi trước Quốc hội đã thể hiện tư duy quản lý mới, sửa đổi căn bản, toàn diện đạo luật này. Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật gồm có 121 điều, được bố cục thành 09 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

Sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, cũng như những hạn chế, bất cập trong nội dung quy định, Luật Cạnh tranh năm 2004 cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có các bộ quy tắc với mục tiêu xây dựng thể chế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật cạnh tranh. Luật Cạnh tranh cần được sửa đổi theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế và khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Các quốc gia trên thế giới xác định pháp luật cạnh tranh là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường hoặc những tác động bất lợi của quá trình tự do hóa kinh doanh và thương mại. Chính sách cạnh tranh và các chính sách kinh tế khác, đặc biệt chính sách công nghiệp và thương mại, chính sách điều tiết ngành có mối gắn kết và tác động chặt chẽ với nhau. Việc sử dụng hiệu quả công cụ chính sách cạnh tranh mà chủ yếu là thông qua thực thi pháp luật cạnh tranh sẽ có tác dụng tương hỗ cho các chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo là có những diễn biến phức tạp, xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ tại một số quốc gia trên thế giới tiềm ẩn tác động bất lợi đến nền kinh tế trong nước.

Tình hình môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế có những biến động so với thời điểm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004. Trước hết là sự hình thành của các chuỗi giá trị toàn cầu, gắn kết các nền kinh tế và các công đoạn sản xuất, cung cấp dịch vụ được thực hiện tại nhiều quốc gia, khu vực. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng phổ biến trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Những thay đổi, chuyển biến lớn trong môi trường kinh doanh nêu trên đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới mà Luật Cạnh tranh năm 2004 chưa dự liệu hết được. Các phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới đó đã và đang làm thay đổi cấu trúc của nhiều thị trường quan trọng và tác động một cách trực tiếp đến các chủ thể trên thị trường. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 là cần thiết.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Cụ thể: khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Với xu thế toàn cầu hóa kinh tế và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng trên phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau. Khi đó, thực tiễn sẽ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, nhưng có tác động tới môi trường cạnh tranh trong nước. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc tác động ảnh hưởng của hành vi để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới và bảo vệ thị trường trong nước. Thực tiễn thời gian qua cũng đã xuất hiện những hành vi như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường hay các giao dịch mua bán, sáp nhập được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Luật Cạnh tranh năm 2004 không có quy định xác định bản chất của hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, mà quy định bằng phương pháp liệt kê 08 hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Các hành vi trong danh sách liệt kê chỉ được mô tả thông qua hình thức biểu hiện bên ngoài mà không đi vào bản chất kinh tế của hành vi. Việc liệt kê “đóng” và mô tả hành vi một cách chi tiết không dựa trên bản chất hành vi dẫn đến việc bỏ sót hành vi có tác động hạn chế cạnh tranh trên thực tế, hoặc ngược lại, cấm cả những thoả thuận chưa ảnh hưởng đáng kể đến cạnh tranh. Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định cấm thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo hai cách gồm: Cấm tuyệt đối; và cấm trên cơ sở thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan, trong đó bao gồm cả các hành vi thoả thuận thuộc nhóm thoả thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng (thoả thuận ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát sản lượng). Việc không quy định cấm theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên đối với một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng là chưa hợp lý và không phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật cạnh tranh thế giới.

Thay đổi cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế. Đối với việc kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế, theo Điều 18, Luật Cạnh tranh năm 2004, tập trung kinh tế bị cấm nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan (trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 19). Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Cách tiếp cận này là chưa hợp lý bởi việc đánh giá và cấm tập trung kinh tế chỉ dựa trên tiêu chí thị phần không phản ánh đầy đủ, chính xác thực tế thị trường và mức độ tác động của vụ việc đến môi trường cạnh tranh, dẫn tới bỏ sót những trường hợp có khả năng tác động tiêu cực đến cạnh tranh hoặc ngược lại, cấm cả những trường hợp trên thực tế không gây ra tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể.

Ngoài ra, việc chỉ sử dụng tiêu chí thị phần trên thị trường liên quan cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế. Trên thực tế các doanh nghiệp chỉ có thể biết và chịu trách nhiệm về doanh thu, doanh số của mình mà không thể biết doanh thu, doanh số chính xác của đối thủ cạnh tranh, do vậy, họ không thể tự xác định thị phần của mình trên thị trường liên quan nên khó có thể biết mình có thuộc trường hợp bị cấm hoặc phải thông báo tập trung kinh tế hay không.

Hoàn thiện các quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau Luật Cạnh tranh năm 2004, chẳng hạn, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quảng cáo… có quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại văn bản luật khác nhau, được thực thi bởi các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền xử lý hoặc khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Vì vậy, cần được rà soát lại để quy định cho phù hợp.

Khắc phục hạn chế về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, mô hình cơ quan cạnh tranh hiện nay gồm 03 cơ quan, trong đó Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương, Hội đồng cạnh tranh làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm và Văn phòng Hội đồng kiêm chức năng thư ký trong quá trình xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh. Thực tiễn hơn 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh năm 2004 cho thấy mô hình cơ quan cạnh tranh nêu trên không đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, gây kéo dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh. Đặc biệt, mô hình này không đảm bảo tính độc lập, khách quan của một cơ quan đóng vai trò gác cổng, duy trì và thúc đẩy môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, đồng thời, không phù hợp với xu hướng thế giới.

Những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của Luật Cạnh tranh năm 2004 dẫn đến thực trạng: Các quy định của Luật Cạnh tranh chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, làm động lực cho sự phát triển kinh tế. Số vụ việc cạnh tranh được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi thực tế môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế như lĩnh vực năng lượng, dược phẩm, phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics, du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ,… Quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn đến sai sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp, chưa có cơ chế và tiêu chí cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi, đặc biệt trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đấy cạnh tranh hiệu quả.

Theo tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), có những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, như:

Mở rộng phạm vi điều chỉnh. Thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam, chẳng hạn, thoả thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam… Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…” và áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, nên không có cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Tại một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các cơ quan cạnh tranh gần đây đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới. Điển hình như vụ thoả thuận ấn định giá, phí vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không giữa hơn hai mươi hãng hàng không lớn trên thế giới hay hai vụ mua bán, sáp nhập giữa các công ty sản xuất ổ cứng nổi tiếng (giữa Western Digital và Hitachi, giữa Samsung và Seagate)… 

Vì vậy, để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam (Điều 1 Dự thảo).

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trên sẽ đem lại một số hiệu ứng tích cực như: Tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam. Việc xử lý kịp thời các hành vi xuyên biên giới góp phần tạo sự ổn định cho nền kinh tế nội địa thông qua việc ổn định các yếu tố thị trường như yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường các lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực chủ chốt hoặc lĩnh vực phục vụ dân sinh của nền kinh tế. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Việc duy trì và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh là tôn chỉ của “Chương cạnh tranh” trong hầu hết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mở rộng đối tượng áp dụng. Cạnh tranh là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, là động lực phát triển nền kinh tế. Trong cơ chế thị trường, “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (Khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013). Luật và chính sách cạnh tranh có vai trò tạo lập nền tảng cơ bản cho quá trình cạnh tranh và điều tiết hoạt động cạnh tranh trong mọi ngành, lĩnh vực. Do đó, Luật Cạnh tranh cần được áp dụng với mọi đối tượng liên quan tới cạnh tranh trên thị trường.

Điều 2 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Luật này áp dụng đối với: 1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh…; 2. Hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam”. Quy định như vậy chưa bao quát hết các đối tượng, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hành vi cạnh tranh bị điều chỉnh mà không phải là tổ chức, cá nhân kinh doanh hay hiệp hội ngành nghề.

Trong khi đó, trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh, chẳng hạn như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác. Trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Công Thương đã phát hiện và xử lý 15 trường hợp có liên quan đến hành vi của cơ quan quản lý nhà nước bị cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh.

Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính... sẽ đem lại một số tác động tích cực.

Về nhóm quy định về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, Dự thảo Luật đã điều chỉnh cách tiếp cận kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, phù hợp với thực tiễn cạnh tranh trên thị trường và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.

Nhóm quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền so với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã có những điều chỉnh như sau: Để tránh việc xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp phụ thuộc vào tiêu chí thị phần như hiện nay, Dự thảo xây dựng hệ thống tiêu chí xác định “sức mạnh thị trường đáng kể” một cách đầy đủ, phù hợp hơn, giúp phản ánh chính xác vị thế của doanh nghiệp và thực tiễn cạnh tranh trên thị trường. Cấu thành của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường được làm rõ hơn thông qua việc nhấn mạnh vào hậu quả, tác động gây ra của hành vi, giúp phản ánh bản chất phản cạnh tranh của hành vi, khắc phục hạn chế của quy định hiện hành là chỉ mới mô tả hình thức biểu hiện bên ngoài mà không nhắm vào bản chất hành vi, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật.

Nhóm quy định về kiểm soát tập trung kinh tế, so với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật đã thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Nhóm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể như sau: Đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã có quy định của pháp luật chuyên ngành khác như hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quảng cáo…, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi. Dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã lược giản hoá trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh như đề cập ở trên giúp điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo đúng bản chất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, tránh tạo lỗ hổng pháp lý đối với những hành vi còn chưa được điều chỉnh bởi bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, đồng thời rút gọn trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh nhằm tăng cường hiệu quả thực thi.

Nhóm quy định về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh, dự thảo tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và địa vị, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Theo đó, về mô hình cơ quan cạnh tranh, tái cơ cấu các cơ quan cạnh tranh hiện nay gồm Hội đồng cạnh tranh và Cơ quan quản lý cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Có thể thấy, sửa đổi Luật Cạnh tranh là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực