Phát huy hiệu quả lợi ích từ Sổ tạm quản ATA đối với doanh nghiệp

Thứ tư, 01/11/2017 16:24
(ĐCSVN) – Trong 2 ngày 1-2/11, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Quốc tế khu vực châu Á (ICC) phối hợp tổ chức Hội thảo về cấp Sổ tạm quản ATA theo Công ước Istanbul.
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh:M.P)

Công ước Istanbul về tạm quản được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Công ước đã đưa ra mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản như các chứng từ hải quan quốc tế kèm bảo lãnh sẽ góp phần thuận lợi hóa thủ tục tạm quản, đồng thời giúp các cơ quan quản lý hàng tạm quản chặt chẽ. Trong Công ước, cơ chế tạm quản vận hành dựa trên hệ thống Sổ Tạm quản (ATA carnet), là một bộ chứng từ hải quan duy nhất được quốc tế công nhận dùng để thay thế tờ khai hải quan áp dụng đối với hàng hóa đi lại theo chế độ tạm quản giữa các thành viên của Công ước Istanbul.

Theo thông lệ quốc tế, Chính phủ giao cho VCCI là cơ quan cấp sổ tạm quản và cơ quan bảo lãnh (NIGA) nhằm triển khai thực hiện Công ước sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục gia nhập. Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và VCCI trong quá trình cấp sổ theo yêu cầu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho hay, Tổng cục Hải quan đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc phối hợp thực hiện tờ trình Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản. Hiện nay, cùng với các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, quản lý hải quan hiệu quả, ngành Hải quan đang tích cực tiến hành gia nhập nhiều công ước, nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế, phối hợp với các bộ ngành tiến hành đánh giá tác động của công ước này.

Ông Tài cho biết, ngày 31/10, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt công ước này. Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Chính phủ sẽ tiến hành lấy ý kiến và có thể phê duyệt gia nhập trong tháng 11 này.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ lời cảm ơn đến Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan đã đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp thúc đẩy nhanh việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul, để các doanh ngiệp có thêm một sự lựa chọn có ích trong hoạt động xuất nhập khẩu..

Theo ông Phòng, trong giai đoạn gần đây, Chính phủ rất nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện và môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Việc Chính phủ thông qua gia nhập Công ước Istanbul và cấp Sổ tạm quản ATA cho hàng hóa cũng thể hiện được tinh thần đó của Chính phủ.

Đại diện lãnh đạo VCCI nhận định, trên thế giới hiện có 74 quốc gia tham gia Công ước tạm quản và sử dụng hình thức giao dịch này. Sổ tạm quản ATA tạo thuận lợi cho tạm nhập tái xuất thông qua việc đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục theo mục tiêu kinh tế, nhân đạo, văn hóa, xã hội hoặc du lịch. Việc áp dụng mô hình chuẩn các chứng từ sẽ góp phần thuận lợi hóa thủ tục tạm nhập tái xuấ.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt các nội dung trên, ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị, các cơ quan như Tổng cục Hải quan và VCCI cần phối hợp nghiên cứu sâu các quy định về quản lý cũng như các phương thức thực hiện hiệu quả để hướng dẫn cho doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi ích của cơ chế.
.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực