Phát triển công nghiệp trong bối cảnh hội nhập ở Thái Bình

Thứ sáu, 18/09/2015 15:44

(ĐCSVN) - Cùng với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thời gian qua, sản xuất công nghiệp ở Thái Bình từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đây là nhân tố quan trọng để góp phần tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm ước tăng 8,04%/năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh

Trước tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, khu vực và suy giảm kinh tế trong nước, các cấp, các ngành ở địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp ổn định và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; chú trọng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, các doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn. Vì vậy, sản xuất công nghiệp, xây dựng đã vượt qua thời kỳ khó khăn, có bước phục hồi và tăng trưởng khá. Theo số liệu của Tỉnh uỷ Thái Bình, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân 5 năm tăng 12,7%/năm; trong đó, công nghiệp tăng 11,2%/năm, xây dựng tăng 18,2%/năm. Đồng thời, đã phát triển thêm một số sản phẩm mới như: amôn nitrat, thiết bị điện và dây dẫn trong ô tô; bê tông thành mỏng, gạch không nung; nước giải khát, rượu cao cấp v.v...

Sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn ở Thái Bình (Ảnh: Đ.H)

Do nhận thức hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nên thời gian qua, kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện. Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh theo hướng chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ, thiết bị tiên tiến và các ngành công nghiệp phụ trợ. Trong 5 năm, đã có thêm 126 dự án sản xuất công nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 15,4 nghìn tỷ đồng. Một số dự án quy mô lớn như: Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất amôn nitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng, Thái Bình, dự án thăm dò, khai thác than... được triển khai và thực hiện bảo đảm tiến độ. Toàn tỉnh hiện có 540 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với số vốn đăng ký 94,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 385 dự án đang sản xuất với số vốn đầu tư trên 16 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 110 nghìn lao động. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp bình quân đạt 81,34%. Giá trị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Nghề và làng nghề được duy trì phát triển, một số làng nghề suy giảm đã được phục hồi, đồng thời du nhập thêm một số nghề mới như: dệt chiếu ni lông, móc sợi.... Toàn tỉnh có 245 làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn, tăng 26 làng nghề so với năm 2010, giải quyết việc làm ổn định cho 148 nghìn lao động. Giá trị sản xuất nghề, làng nghề chiếm 22% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Hoạt động khuyến công được thực hiện hiệu quả, đã hỗ trợ tích cực cho việc duy trì, mở rộng sản xuất, phát triển nghề và làng nghề.

Trong bối cảnh nước ta đã và đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua Thái Bình đã đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. 5 năm đã thu hút 279 dự án đầu tư vào các lĩnh vực, với số vốn đăng ký 20,2 nghìn tỷ đồng, 16 dự án FDI với số vốn đăng ký 75,14 triệu USD; trong đó, 65 dự án đi vào sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 784 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 104,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, 448 dự án đi vào sản xuất; 53 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 415,3 triệu USD; số lượng doanh nghiệp 4.369, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010, đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác quy hoạch và đầu tư, xây dựng được thực hiện tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng quan trọng: trên 30 km đê xung yếu, trực diện với biển; cầu Hiệp, cầu Diêm Điền, cầu Trà Giang, cầu Trà Linh, cầu Tịnh Xuyên, đường Đồng Châu (2,57 km), đường 217 (12 km), đường bờ Nam sông Kiên Giang (4,4 km); Trung tâm Phát thanh và Truyền hình, Nhà Thi đấu đa năng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần, Nhà trung tâm nghiệp vụ kỹ thuật và các khoa nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nhà kỹ thuật Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; Làng trẻ em SOS, Đền thờ liệt sĩ tỉnh; 135 km đường giao thông nông thôn thuộc dự án WB3; hệ thống nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã, công trình nước sạch nông thôn và một số công trình văn hóa lịch sử tiêu biểu. Nhiều công trình lớn đã và đang được tập trung chỉ đạo, bảo đảm tiến độ như cầu qua sông Trà Lý (tại Phường Hoàng Diệu) nối đường vành đai phía Nam Thành phố với quốc lộ 10, cầu Thái Hà, đường Thái Bình - Hà Nam, đường tỉnh 39 (từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền), đường Thái Thuỷ - Thái Thịnh (7,95 km)…;

Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hoá

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thái Bình đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu và đẩy mạnh chuyển dịch các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, công nghệ cao. Phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, năng lượng, chế biến nông, thuỷ sản và công nghiệp phụ trợ. Tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường đối với các cơ sở công nghiệp hiện có.

Xây dựng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu, cụm công nghiệp. Tập trung chỉ đạo phối hợp hoàn thành các dự án công nghiệp lớn; đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư về các mặt xây dựng, công nghệ, sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Phối hợp chỉ đạo việc đưa khí vào bờ và khai thác thử nghiệm than. Xây dựng khu kinh tế ven biển Thái Bình.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Củng cố, mở rộng các làng nghề truyền thống; phát triển nghề và làng nghề mới có giá trị sản xuất cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và doanh nghiệp trong làng nghề…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực