Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập

Thứ năm, 08/03/2018 15:23
(ĐCSVN) - . Trong xu thế hội nhập quốc tế, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.
Việt Nam có rất nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống. (Ảnh: HNV)

Việt Nam có cơ sở để tiến hành được hoạt động trên vì làng nghề, ngành nghề truyền thống và các làng Việt cổ Việt Nam là nơi hội tụ bản sắc, nét độc đáo riêng, góp phần giới thiệu sinh động về đất nước và con người của mỗi vùng miền, địa phương.

Sự tồn tại của làng nghề, phố nghề là minh chứng cho sức mạnh cội nguồn dân tộc

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nước ta được mệnh danh là đất nước của làng nghề, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân gian được bồi đắp qua nhiều năm, sản sinh và lưu giữ những giá trị có hàm lượng văn hóa, lịch sử tinh thần đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh qua mấy nghìn năm. Bằng trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân người Việt đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống, di sản văn hóa Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

Làng nghề là cả một môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và công nghệ lâu đời. Văn hóa làng nghề luôn gắn với làng quê, các hoạt động lễ hội, phường hội mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Các làng nghề thường là những làng việt cổ, với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng, làng cách mạng như làng dao kéo Đa Sĩ có rất nhiều người đỗ đạt trong đó có danh y Hoàng Đôn Hòa nổi tiếng, làng gốm cổ truyền Bát Tràng có 25 tiến sĩ trong đó có một trạng nguyên, làng dệt lụa Vạn Phúc, các làng nghề huyện Phú Xuyên, làng nghề gỗ Mỹ nghệ Sơn Đồng...

Ông Lưu Duy Dần cho biết, khi khai quật di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long cách đây nghìn năm ai cũng thấy rõ vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành. Từ những viên gạch, viên ngói, đầu rồng đến những vật dụng sinh hoạt gốm sứ bị chon vùi dưới đất qua bao thời đại vẫn còn giữ nguyên nét tinh xảo, tài hoa của bàn tay khối óc người thợ thủ công. Đặc biệt, những sản phẩm từ từng lớp di chỉ thể hiện rất rõ nét đặc trưng nghệ thuật của các triều đại khác nhau theo thứ tự thời gian: Thời Lý – Trần, Thời Lê – Nguyễn…phản ánh dòng chảy văn hóa Việt Nam  một cách sinh động, cụ thể. Ông cha ta đã để lại một kho tàng nghề truyền thống quý giá, nay vẫn tồn tại và phát triển trong cuộc sống hiện đại, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dung trong nước vừa xuất khẩu.

Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề trong đó có gần 2000 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề. Riêng Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề đã được công nhận, hàng trăm làng nghề, phố nghề truyền thống. Việt Nam ước tính có khoảng hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm: Tơ lụa Vạn Phúc, The La khê, Đồng Ngũ Xã, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, Thêu Quất Động, đúc Huế, Ý Yên, Đại Bái, Ngũ Xã, Phước Kiều, Mây Tre đan Phú Vinh, Phú Túc, Chàng Sơn, Gốm Sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Bầu Trúc, Kim Hoàn Định Công, Đồng Xâm, Châu Khê, Khảm Chuôn Ngọ, Mộc Kim Bồng, Thổ cẩm Mai Châu, Dừa Bến Tre, đồ chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc…

Phát triển làng nghề với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, làng nghề Việt Nam có một sức sống mới, phong phú hơn, được chú ý về cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu phát triển du lịch làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm cải tiến mẫu mã…Tại các làng nghề ra đời nhiều công ty mới, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế. Thị trường trong nước cũng có điều kiện phát triển như mặt hàng nội, ngoại thất, sản phẩm văn hóa tâm linh…

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, sự phát triển ấy không bảo lưu cái cũ mà bắt gặp sự giao thoa với thế giới. Đời sống của người dân ở nơi có làng nghề thường cao hơn từ 3 – 5 lần so với làng thuần nông, các làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động phụ lúc nông nhàn. Những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu đã lên tới hơn 1 tỷ triệu USD/năm.

Tuy nhiên, khoảng từ cuối năm 2008 đến nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, các làng nghề Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, thiếu vốn. Đầu ra cho sản phẩm không ổn định, mặt bằng sản xuất chưa được mở rộng,…Khi doanh nghiệp làng nghề thu hẹp sản xuất, không những người lao động trực tiếp chịu tác động mà nó sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lao động ở các lĩnh vực khác. Thực trạng đó đòi hỏi những biện pháp giải cứu cho làng nghề trước hết là tháo gỡ khó khăn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nhất là nhiều người là việc ở thành phố, khu công nghiệp trở về làng chưa có công ăn việc làm.

Cùng với sự trợ giúp của Chính phủ, một số doanh nghiệp làng nghề đã chủ động thực hiện các biện pháp liên kết, liên doanh, tham quan, khảo sát, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để vươn lên. Đồng thời, giải quyết hàng loạt vấn đề về vốn, phát triển các vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm hiện đại hóa công nghệ truyền thống, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác tốt thị trường trong nước.

Đáng chú ý, trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề, ngành nghề truyền thống và các làng Việt cổ Việt Nam là nơi hội tụ bản sắc, nét độc đáo riêng, góp phần giới thiệu sinh động về đất nước và con người của mỗi vùng miền, địa phương, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Tuy nhiên, để phát triển xứng tầm loại hình làng nghề du lịch còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường, các chương trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Đồng thời, phải tạo những điều kiện cơ sở dịch vụ phục vụ khách thuận lợi hấp dẫn để khách tham gia các hoạt động trải nghiệm làng nghề, đến nhiều lượt mua nhiều hàng lưu niệm, có ấn tượng tốt đẹp.

Có thể nói, phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền, địa phương trên đất nước trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế.

Lê Anh (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực