Phát triển ngành công nghiệp hoa, cây cảnh trong kinh tế hội nhập

Thứ năm, 18/02/2016 16:33
(ĐCSVN) - Khi mức sống của người dân được nâng lên thì nhu cầu chơi hoa, cây cảnh cũng sẽ ngày càng lớn. Vì thế, hoa và cây cảnh không những là một nhu cầu tinh thần, mà còn là một ngành kinh tế nông nghiệp sinh thái đô thị mang lại lợi nhuận cao.

Quy hoạch những vùng hoa phát triển thành nơi thăm quan, du lịch (Ảnh: HNV)

Việc xây dựng chương trình phát triển hoa, cây cảnh là việc làm cần thiết. Phát triển hoa, cây cảnh, không những góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mà sản phẩm của nó sẽ đáp ứng nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống của người dân.

Phát huy tối đa tiềm năng hoa, cây cảnh trong nước

Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng có rất nhiều lợi thế để phát triển hoa cây cảnh. Vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung bộ còn rất nhiều quỹ đất để phát triển lĩnh vực này với các lợi thế về khí hậu vùng núi cao mát mẻ quanh năm thích hợp với nhiều loài hoa, giống hoa cao cấp. Đặc biệt như tại Mộc Châu - Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có điều kiện để hình thành các trang trại, các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Ông Trần Xuân Định, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hoa, cây cảnh được đánh giá là một ngành hàng chủ lực góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Trong khi đó, vị trí địa lý, điều kiện đất đai, khí hậu, đặc biệt là sự khéo tay và con mắt tinh tế của người làm nghề của nước ta rất khéo léo. Cộng với việc sản xuất hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại dễ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao. Đây là lĩnh vực sản xuất cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khác trong cùng điều kiện canh tác.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, năm 2014, cả nước có khoảng 22.671,9 ha diện tích trồng hoa,  trong đó các tỉnh miền Bắc có 9.237,6 ha, miền Nam có khoảng 13.434,3 ha. Diện tích cây cảnh, cây thế cây bon sai ở phía Bắc cao gần gấp đôi các tỉnh phía Nam (8.172,4 và 4.133,8 ha). Thu nhập bình quân trồng hoa, cây cảnh trên cả nước năm 2014 là 285 triệu đồng/ha/năm. So với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82-83 triệu đồng/ha/năm, mức thu nhập này gấp gần 3,5 lần.

Cũng theo Cục Trồng trọt, trong vòng 10 năm gần đây (2005-2015) diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần (đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 50 triệu đô-la Mỹ). Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị héc-ta là ba lần, hình thành nhiều mô hình đạt từ 800 triệu đến 2,5 tỷ đồng trên một héc-ta.

Theo kết quả điều tra nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh của Việt Nam, giai đoạn 2000 - 2011 trung bình mỗi năm tăng 9%. Giai đoạn 2011-2015 tăng trên 11%. Mức độ tiêu dùng hoa, cây cảnh trung bình của người dân đô thị năm 2000 là 25.000 đồng người/năm, đến năm 2011 tăng lên 52.000 đồng/năm, đến năm 2013 là 100.000 đồng/người/năm, năm 2014 là trên 130.000 đồng/người/năm. Ở nông thôn, mức độ tiêu dùng tương ứng chỉ bằng 20% so với đô thị, mức tăng bình quân về cầu là 15%/năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) những năm gần đây cũng đã xác định thế mạnh và tính hiệu quả của lĩnh vực hoa, cây cảnh. Các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp… đã được đầu tư nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống hoa, dự án giống giai đoạn 1, 2 và tiếp tục giai đoạn 3 năm 2015-2020. Nhiều địa phương từ nguồn đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh cũng quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ về hoa như hoa hồng, hoa ly, nhân giống hoa đồng tiền, hoa cúc… Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà kính nhà lưới, nuôi cấy tế bào, giao thông và cấp thoát nước, tưới phun mưa, nhỏ giọt được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn trong phát triển bền vững ngành hàng hoa, cây cảnh, bởi thực tế ở nước ta, mới duy nhất có Đà Lạt đầu tư trọng điểm phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất hoa. Còn lại đa phần quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; các giống chất lượng cao thường không chủ động sản xuất mà hầu như phải nhập nội; biến đổi khí hậu và những tác động của nó khiến việc điều tiết thời vụ, năng suất, chất lượng hoa, cây cảnh dễ bị ảnh hưởng, rủi ro cao. Đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh, nhất là áp dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn, vượt khả năng đầu tư của nông dân. Chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp với lĩnh vực này. Quy hoạch vùng hoa cây cảnh còn bất cập, cần được rà soát, điều chỉnh. Thị trường và cạnh tranh trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu và tham gia vào các hiệp ước TPP, FTA và khối cộng đồng ASEAN...

Như nhận định của ông Trần Xuân Định, Cục Trồng trọt, thị trường cây cảnh, cây thế, cây bon sai, cây lá màu cũng phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu trồng ở công sở, khu đô thị mới, dải phân cách đường giao thông lớn… Tuy nhiên, việc tổ chức thị trường tiêu thụ trong cả nước cũng như các tỉnh phía Bắc là chưa bài bản và chưa có các chợ đầu mối giao dịch lớn, các chợ họp theo phiên thường là tự phát.

Vì sao có tiềm năng nhưng vẫn chưa thể phát triển mạnh?

Lý giải về việc có tiềm năng thế mạnh để phát triển nhưng Việt Nam lại chưa thể trở thành một cường quốc hoa, theo GS. TS. Nguyễn Quang Thạch - Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đó là bởi chúng ta chưa phát triển ổn định và bền vững ngành hàng hoa theo cách tiếp cận chuỗi giá trị. Chưa sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Cần phân tích yêu cầu từng thị trường - xu hướng giá cả hàng hoá cạnh tranh do hội nhập kinh tế. Sản xuất trong môi trường cạnh tranh cao phải “sản xuất nông nghiệp tốt - GAP” và hàm lượng khoa học công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh về số lượng, chất lượng và giá.

Nhà nước chưa coi hoa là sản phẩm chủ lực, chưa có các chính sách quan tâm đầu tư thích đáng cho ngành trồng hoa cảnh. Để phát triển ngành hoa cần có quy hoạch ngành hoa. Cần có một định hướng phát triển ngành hoa cho cả nước bằng nhu cầu thị trường, bằng lợi thế cạnh tranh, bằng nghiên cứu khoa học.

Còn thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng trồng hoa. Nông nghiệp công nghệ cao là nhà máy cho sản phẩm đầu ra thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cũng phải có nhà xưởng, có máy móc thiết bị, công nhân, phải có quy trình kỹ thuật. Ví dụ: Mỗi ha nhà kính của công ty Dalathasfarm giá khoảng 7-8 tỷ đồng. Mỗi ha nhà kính của công ty Apolo đầu tư khoảng 3 triệu USD. Nhà kính mà nông dân hay các công ty Việt Nam nhập về từ nước ngoài chất lượng có thể chấp nhận được cũng phải 5 tỷ đồng/ ha. Người sản xuất hết lòng trông chờ vào các chính sách cho vay vốn trung và dài hạn của nhà nước

Chính sách thuế chưa thỏa đáng. Chúng ta chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy ngành trồng hoa công nghệ cao phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Vẫn còn thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến. Sản xuất hoa hướng tới sản xuất theo công nghệ cao với cả dây truyền thiết bị tiên tiến liên hoàn tử sản xuất đến thu hoạch, bảo quản chế biến. Về mặt này chúng ta hoàn toàn cần được trợ giúp và chuyển giao. Hơn thế nữa hầu hết các giống hoa đang được trồng ở Việt Nam là nhập theo con đường không chính thức từ nước ngoài nên không có bản quyền không thể xuất khẩu.

Định hướng phát triển hoa, cây cảnh theo hướng bền vững

Ngoài các dòng hoa truyền thống, địa lan cũng đang được nhiều nông dân chăm sóc, phát triển
(Ảnh: HNV)

Mong muốn lớn nhất hiện nay của các nhà quản lý, các chuyên gia và cả nông dân là làm thế nào để xây dựng nước ta trở thành một trung tâm về sản xuất hoa, cây cảnh  có chất lượng cao, phong phú đa dạng về chủng loại, mang tính hàng hoá ở khu vực các nước ASEAN, để cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Đồng thời, làm sao để xây dựng các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, đề ra các chính sách phù hợp để thúc đẩy nghề sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, đúng hướng, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Bởi thế, trên cơ sở tiềm năng và thuận lợi để phát triển, ngành NN&PTNT đã gắn định hướng phát triển hoa cây cảnh với chương trình phát triển công nghệ cao trong trồng trọt. Theo đó, hoa là lĩnh vực có cơ hội và điều kiện để gắn với hệ thống sản xuất công nghệ cao, nhà kính nhà lưới, sản xuất theo quy mô công nghiệp. Còn lĩnh vực cây cảnh, cây thế cần tận dụng lợi thế của các vùng sản xuất truyền thống, đã trở thành làng nghề, rà soát để quy hoạch lại, xây dựng cơ chế đặc biệt cho vùng này về đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, chính sách thông thoáng cho chuyển đổi, lấy vùng chính làm hạt nhân với hệ thống các vùng vệ tinh. Đồng thời, kết hợp các vùng hoa, cây cảnh, cây thế với du lịch sinh thái, kết nối với du lịch tâm linh và các điểm du lịch danh lam, thắng cảnh; Kết hợp giữa việc xây dựng, hình thành khu sản xuất hoa, cây cảnh với đào tạo cho học sinh, sinh viên, đặc biệt học sinh các cấp tiểu học, trung học, như hình thức trải nghiệm từ thực tế nhằm hình thành nhân sinh quan và cách sống hòa đồng với thiên nhiên, yêu thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ, nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống hoa, cây cảnh, chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới. Hỗ trợ để xây dựng các mô hình, chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế chính sách về đất đai, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực hoa cây cảnh; đặc biệt việc hình thành các doanh nghiệp chuyên môn sản xuất cung ứng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, cây thế, cây bon sai; hoa chậu, cây lá màu với giá thể hữu cơ, xanh, sạch cung cấp cho hộ gia đình, công sở và các địa bàn công cộng nhằm cải thiện môi trường, làm sạch không khí, tạo cho khắp nơi một không gian sạch xanh.

Đặc biệt, hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa cây cảnh, gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp, tìm kiếm mở các thị trường xuất khẩu không chỉ hoa mà cả cây cảnh, cây thế cây bon sai. Củng cố nâng cao sức mạnh và kết nối theo chuỗi sản xuất của hệ thống hộ với doanh nghiệp, hình thành hiệp hội hoa ở các vùng trọng điểm được quy hoạch nhằm hỗ trợ nhau trong khoa học, công nghệ, thị trường.

Về phía Bộ NN&PTNT, ngành cũng đang xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây cảnh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 theo hướng xây dựng và thực hiện được chương trình Quốc gia về nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh thành ngành sản xuất chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cơ sơ ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ tiến tiến nhất của khu vực và thế giới  trong các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới công nghệ tự động hóa… nhằm thực hiện thắng lợi  chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp nông thôn ở nước ta.

Đặc biệt, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị với diện tích hoa cây cảnh đến 2020 đạt 20.000ha đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu hoa cây cảnh  đạt 80-100 triệu USD/năm.

Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Châu Á - Thái Bình Dương, tiềm năng phát triển hoa cây cảnh của nước ta rất lớn, nhưng làm thế nào để phát triển thành hiện thực, đem lại hiệu quả kinh tế thật sự cho đất nước thì cần phải đánh giá đúng tiềm năng của ngành hoa cây cảnh Việt Nam hiện nay có những mặt được và những mặt còn chưa được cụ thể ra sao; tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế một cách kỹ càng; Phải có một chương trình quốc gia về hoa cây cảnh; Phải có những chính sách khuyến khích phát triển và xã hội hóa ngành hoa cây cảnh. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều mặt như: Hỗ trợ về thuê đất đai, tích tụ ruộng đất; về vốn vay từ các ngân hàng; về chính sách thuế; về KHCN (cho phép nhập và hỗ trợ công nghệ, ứng dụng công nghệ cao); về đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề cho người dân…/.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực